Vì sao lại có “hàng rào xanh”?

Mọi người đều đã nghe nói về hàng rào mậu dịch. Hàng rào mậu dịch là chỉ trong quan hệ mậu dịch quốc tế, những nước nhập khẩu vì lợi ích của nước mình mà đã đánh thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm mục đích giảm bớt và ngăn cản hàng nhập khẩu. Vậy “Hàng rào xanh” là thế nào?

Hiện nay, mậu dịch thế giới đã bước vào thời đại bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường đã bước vào phạm trù mậu dịch toàn cầu. Ngày càng có nhiều nước phát triển khi nhập khẩu hàng hóa đã dựng lên “Hàng rào xanh”. Ví dụ ngày 1/1/1995, Đức cấm sản xuất, nhập khẩu toàn diện 118 mặt hàng dệt, trang phục nhuộm và những hàng da, kể cả giày dép có thể sinh ra ung thư. Sau khi thi hành quy định này, rất nhiều sản phẩm dệt và in nhuộm của Trung Quốc đều bị từ chối. Ví dụ này nói với chúng ta rằng: “Hàng rào xanh” là chỉ những hàng hóa nhập khẩu trong quá trình sản xuất hoặc sử dụng sẽ gây nên ô nhiễm môi trường hoặc phá hoại sinh thái sẽ bị đánh thuế cao nhằm bảo vệ môi trường chung của nhân loại.

Đem mậu dịch móc nối với môi trường tức là muốn thông qua biện pháp mậu dịch khiến cho một số biện pháp bảo vệ môi trường được chấp hành triệt để. Nhưng làm như vậy thực tế là bảo vệ lợi ích của các nước phát triển, làm tổn hại lợi ích của các nước đang phát triển. Đó là vì trình độ khoa học kĩ thuật của các nước phát triển rất cao, thông tin nhanh nhạy, chỉ có họ mới có thể dựng lên “Hàng rào xanh”. Còn những nước đang phát triển vì tiền vốn ít, kĩ thuật lạc hậu nên sản phẩm muốn đạt được tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cao là rất khó. Do đó “Hàng rào xanh” luôn luôn khiến cho sản phẩm của các nước đang phát triển bị khống chế, thậm chí khiến cho nó chịu những thiệt hại về kinh tế rất lớn. Ví dụ ở Trung Quốc, năm 1995 một bộ phận sản phẩm vì không phù hợp với chỉ tiêu môi trường và pháp quy của các nước phát triển nên đã bị trả về hoặc phải bồi thường, tổn thất hơn 20 tỉ nhân dân tệ. Vậy những nước đang phát triển như Trung Quốc nên làm gì đối với “Hàng rào xanh”? Một mặt chúng ta phải kiên trì không mệt mỏi, đấu tranh để giữ được địa vị mậu dịch bình đẳng, mặt khác phải không ngừng nâng cao trình độ khoa học kĩ thuật, tích cực mở rộng nền “sản xuất sạch” và quản lí khoa học hóa, thi hành tiêu chuẩn quản lí môi trường ISO thông dụng của quốc tế. Mỗi khâu của quá trình sản xuất, các xí nghiệp đều phải quán triệt nguyên tắc bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn năng lượng và tìm cách nhận được Chứng chỉ hệ thống môi trường ISO để được thị trường quốc tế công nhận “Hộ chiếu xanh”. Như vậy chúng ta sẽ có địa vị chủ động trong mậu dịch quốc tế.

Từ khoá: “Hàng rào xanh”; Hàng rào mậu dịch; “Sản xuất sạch”.