Vì sao phải bảo tồn tính đa dạng của sinh vật?

Tính đa dạng của sinh vật là chỉ tính đa dạng di truyền, tính đa dạng loài vật và tính đa dạng sinh thái của thực vật, động vật, vi sinh vật. Bảo tồn tính đa dạng của sinh vật tức là dùng những biện pháp bảo tồn cả về ba mặt: gen, loài vật và hệ thống sinh thái.

Vậy vì sao lại phải bảo tồn tính đa dạng của sinh vật?

Sự sinh tồn của con người và sự phát triển của xã hội phải dựa vào tính đa dạng của sinh vật, bởi vì tính đa dạng của sinh vật là nền tảng để hệ thống sinh thái vận động bình thường và duy trì sự ổn định. Các loài vật dù chúng là vi khuẩn, loài nhuyễn thể, thân đốt, bò sát hay là động vật có vú loại nhỏ, đều có một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng của hệ thống sinh thái. Chúng cung cấp thức ăn, không khí tươi mát, điều tiết khí hậu, khống chế bệnh tật lưu hành cho chúng ta. Vai trò của chúng khó có thể dùng cái gì khác để thay thế.

Mỗi loài sinh vật đều có đặc tính di truyền riêng, khiến cho chúng có thể thích nghi với điều kiện môi trường nào đó. Đặc tính di truyền này vô cùng quan trọng đối với chúng ta. Nếu được khai thác đầy đủ thì sẽ đem lại cho chúng ta những nguồn lợi vô cùng to lớn. Ví dụ những thực phẩm mà chúng ta ăn như gạo, tiểu mạch, ngô, đậu và còn nhiều thứ hoa quả như dưa, rau xanh v.v.. tuy là từ các loài sinh vật hoang dã dần dần biến hóa thành, nhưng qua nhiều năm trồng trọt, các loài đó đã bị thoái hóa, sức đề kháng sâu bệnh giảm sút, nên sản lượng giảm thấp, chất lượng kém đi. Vì vậy loài người để cải tiến giống đã thoái hóa thành giống tốt thì phải tìm kiếm những loài vật tương tự với chúng trong số sinh vật hoang dã, lấy gen của chúng cấy vào những cây trồng hiện nay. Làm như vậy không những có thể làm thay đổi năng lực đề kháng sâu bệnh tự nhiên của giống mới mà còn có thể nâng cao sản lượng và chất lượng của chúng lên rất nhiều.

Sự muôn màu muôn vẻ của các loài vật hoang dã còn là nguồn cung cấp dược phẩm phong phú cho chúng ta. Rất nhiều loại thuốc của loài người hiện nay đều được lấy từ các loài sinh vật và động vật hoang dã, như thuốc giảm đau, morphin, cocain, thuốc chữa sốt rét như viên kí ninh đều lấy từ các loài thực vật, như cây thuốc phiện, cây coca, cây canhkina v.v.. Những thực vật dùng làm thuốc này một mặt có tác dụng chữa bệnh cứu người, mặt khác cũng đem lại những lợi ích kinh tế to lớn cho công nghiệp dược phẩm.

Các loài vật hoang dã còn có cống hiến rất to lớn đối với sự phát triển khoa học kĩ thuật hiện đại. Rất nhiều sự linh cảm của phát minh, sáng chế đều bắt nguồn từ trong sinh vật tự nhiên, như loài người bắt chước thói quen và cuộc sống của loài chim, cầm thú, côn trùng mới biết được nhiều điều có ích cho loài người và mô phỏng chế tạo ra những sản phẩm tương ứng để phục vụ loài người.

Ngoài ra, loài vật hoang dã còn cho ta nguồn du lịch phong phú, đó cũng là một món lợi nhuận đáng kể.

Tóm lại bảo tồn tính đa dạng của sinh vật, tiếp tục lợi dụng nguồn sinh vật đối với toàn thể thế giới có ý nghĩa quan trọng không thể kể hết được.

Từ khoá: Tính đa dạng sinh vật; Loài vật hoang dã.