Vì sao sóng siêu âm có thể rửa sạch các linh kiện tinh vi?
Theo đà phát triển của khoa học kĩ thuật, công việc rửa sạch các linh kiện tinh vi cũng ngày càng trở nên quan trọng. Đối với những linh kiện có hình dạng phức tạp, nhiều lỗ, nhiều rãnh như bánh răng, cổ chai nhỏ, ống tiêm, vòng bi cỡ nhỏ, chi tiết đồng hồ v.v. mà dùng sức người để rửa sạch thì vừa mất thì giờ lại vừa tốn sức. Đối với một số linh kiện đặc biệt tinh vi như bánh răng trong hệ thống dẫn đường theo quán tính của tên lửa v.v. không cho phép để sót một chút vết bẩn nào. Nếu dùng nhân công giải quyết thì rất khó đạt được tiêu chuẩn làm sạch.
Nếu cần đến sự trợ giúp của sóng siêu âm thì vấn đề sẽ được giải quyết. Chỉ cần ngâm các linh kiện cần làm sạch vào trong bể chứa đầy dung dịch rửa (như nước xà phòng, xăng v.v.), sau đó cho sóng siêu âm vào dung dịch đó. Trong chốc lát, linh kiện sẽ được rửa sạch.
Vì sao sóng siêu âm có được năng lực đó?
Hoá ra là, dưới tác động của sóng siêu âm, dung dịch rửa lúc thì bị ép đặc lại, lúc thì bị kéo loãng ra. Khi bị kéo loãng ra, nó sẽ bị rách toác, sinh ra nhiều bọt rỗng nhỏ. Loại bọt nhỏ này trong chốc lát lại vỡ tan, đồng thời sinh ra sóng xung kích nhỏ, rất mạnh. Trong vật lí, hiện tượng này được gọi là hiện tượng tạo hốc chân không. Vì tần số sóng siêu âm rất cao, những bọt rỗng nhỏ này sinh ra rồi mất đi, mất đi rồi sinh ra hết sức nhanh chóng. Sóng xung kích mà chúng sinh ra giống như muôn ngàn “chiếc chổi nhỏ” vô hình, cọ chải nhanh và mạnh mọi xó xỉnh của linh kiện. Vì vậy, vết bẩn liền bị rửa sạch rất nhanh.
Ví dụ như việc rửa đồng hồ đeo tay, nếu làm theo cách thủ công thì phải tháo rời từng chi tiết, hiệu suất rất thấp. Nếu dùng sóng siêu âm để rửa thì chỉ cần ngâm toàn bộ phần máy vào trong xăng, cho sóng siêu âm đi qua, mấy phút sau đã rửa sạch rồi.
Sóng siêu âm còn có thể giúp chúng ta rửa sạch nhiều linh kiện tinh vi quan trọng như ống kính quang học, chi tiết máy đo, máy móc y tế, chân không điện và khí cụ bán dẫn, v.v.
Từ khóa: Sóng siêu âm; Rửa sạch; Hiện tượng tạo hốc chân không; Sóng