Việc tư vấn sau một chấn động tâm lý có thực sự ích lợi không?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 10 – Arkady Leokum

Các báo cáo gây xúc động mạnh trong cộng đồng về các bi kịch thường được kết thúc bởi một phóng viên ảm đạm phát biểu: “Các nạn nhân đang được đề nghị tư vấn”. Vậy việc tư vấn có thực sự mang lại lợi ích?

Vào năm 2002, tạp chí y khoa Lancet đã đăng một báo cáo của các nhà nghiên cứu ở đại học Amsterdam, những người đã rà soát các tài liệu khoa học cho các nghiên cứu về việc người ta sẽ ra sao sau khi được đề nghị tư vấn “trong một buổi”, tại đó những nạn nhân được khuyên bảo về những tác động tâm lý họ có thể gặp phải trong những ngày sắp tới. Các nhà nghiên cứu đã không thể tìm được bất kì chứng cứ nào rằng việc cảnh báo trước như vậy là có lợi.

Vào năm 2003, bác sĩ Suzanna Rose và các đồng nghiệp tại văn phòng tư vấn tâm lý Berkshire đã xem xét lại kết quả của các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát của các ca tư vấn sau chấn động tâm lý (các thử nghiệm như vậy thường được đánh giá là cách đáng tin nhất để tìm ra cái gì thật sự tốt và cái gì không). Họ phát hiện được ba thử nghiệm đã chứng tỏ lợi ích, sáu thử nghiệm không có lợi ích và hai thử nghiệm làm cho mọi việc còn tệ hại hơn. Điều đáng chú ý là các thử nghiệm sau cũng là những thử nghiệm đã quan sát nạn nhân trong thời gian dài nhất. Vậy liệu có phải tất cả các ca tư vấn đều sẽ trở nên tệ hại về lâu dài?

Người ta vẫn còn nghi ngờ là liệu các ca tư vấn đó có làm cho người được tư vấn dễ bị ám thị và sau đó cứ cho rằng họ có các triệu chứng mà họ đã được báo trước. Do đó, trong khi chưa có gì chứng minh lợi ích của việc tư vấn sau chấn động tâm lý thì cũng không nên quá phụ thuộc vào việc tư vấn.