Ai đã chế tạo ra cây chổi?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum

Cây chổi của người Âu Mỹ thì cũng “na ná” như cái bàn chải. Công dụng của cây chổi thì dĩ nhiên không rộng rãi bằng cái bàn chải (brush) vì cây chổi chủ yếu chỉ để quét. Nhưng bàn chải – ở một khía cạnh nào đó – cũng để quét. Vậy mà lịch sử của cây chổi thì lại thua lịch sử của cái bàn chải mấy ngàn năm mới là lạ chứ.

Người tiền sử sống trong hang động lấy lông súc vật cột vào đầu cây gậy làm ra những cái bàn chải. Cái chổi (broom) quét bếp có nguồn gốc là một bó nhánh cây nhỏ (twigs), nhánh cây bấc (rush) hoặc một túm sợi cột vào một cái cán. Ở Mỹ lúc còn là thuộc địa, người ta dùng loại chổi này. Ở nhiều nơi trên châu Âu ngày nay người ta cũng vẫn dùng loại chổi này để quét đường, quét sân, quét sàn nhà.

Chổi dùng để quét bếp – như ta biết – làm bằng thân cây bắp. Và loại chổi này là sáng chế của dân Mỹ. Có nhiều chuyện – có thật hay không có thật – liên quan đến nguồn gốc của loại chổi này. Có chuyện kể lại là một người bạn ở Ấn độ đã gởi cho Benjamin Franklin một cái bàn chải quần áo đã được chế tạo và sử dụng tại Ấn độ. Cái bàn chải ấy nom rất giống cây chổi quét bụi (cái phất trần). Trên cây chổi vẫn còn dính một vài hạt giống, ông Benjamin Franklin đã lấy mấy hạt này gieo trồng. Những hạt đó nảy mầm, phát triển đến nỗi chỉ trong vài năm nó đã được trồng rộng rãi để làm chổi và được đặt cho cái tên là “cỏ chồi bắp”. Một hôm một ông già độc thân tên là Hadley, người của tiểu bang Massachusetts cần một cây chổi. Ông ta đã chặt ít cọng “cỏ chồi bắp” này bó lại quét tạm. Ai dè, thấy được quá, thế là từ đó trở đi ông ta không thèm dùng thứ chổi nào khác nữa. Chẳng những thế, từ đó ông ta còn lấy “cỏ chồi bắp” làm chổi, bán và xuất khẩu ra nước ngoài nữa. Ông mất năm 1843 và việc làm chổi bán của ông đã trở thành một cuộc kinh doanh quan trọng. Và toàn miền của Hadley, người ta đã trồng có đến hàng mẫu “cỏ chồi bắp” mỗi năm. Cho đến ngày nay, nhiều công đoạn trong việc chế tạo cây chổi vẫn phải làm bằng tay.