Bạn muốn chế tạo cái đồng hồ chỉ giờ “chạy” bằng mặt trời không?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum

Nói chắc các bạn không tin: mặt trời là cái đồng hồ đầu tiên của loài người đấy. Từ lâu người ta đã đoán giờ trong ngày bằng cách nhìn mặt trời đi ngang qua bầu trời. Những kiểu nói: mặt trời lên đến ngọn tre, mặt trời lên đến đỉnh đầu, chiều tà… chẳng phải là cách đoán giờ sao? Mặt trời mọc, mặt trời lặn thì dễ biết, nhưng khó mà biết lúc nào là lúc 10 giờ, lúc nào là chính ngọ, lúc nào là xế trưa. Tuy nhiên người ta đã nhận thấy rằng cái bóng của một cây cọc cắm ở những chỗ trống có độ dài khác nhau ở những vị trí khác nhau tùy từng thời điểm. Bởi vậy cứ dựa vào cái bóng ấy mà nói giờ thì khá chính xác. Từ nhận định đó đến chỗ chế ra cái đồng hồ chỉ giờ thì đâu có xa? Thay vì ngửa mặt nhìn vị trí mặt trời trên bầu trời, cứ nhìn vào cái bóng cây cọc là biết mấy giờ.

Cái đồng hồ mặt trời đầu tiên có lẽ đơn giản lắm, vì nó chỉ là một cây cọc cắm trên khoảng đất trống. Người ta đặt những hòn đá theo vòng tròn (mà cây cọc làm tâm) để đánh dấu “cái bóng” cây cọc ở mỗi giờ trong ngày. Sau này, người ta thay cây cọc bằng những trụ đá lớn, cao. “Cây kim của nữ hoàng Cleopatre” ngày nay đặt tại Central Park của thành phố New York là một phần của cái đồng hồ mặt trời. Người ta cũng dùng đồng hồ mặt trời theo kiểu nhỏ hơn. Một cái đồng hồ mặt trời nhỏ hơn có từ cách nay 3.500 năm tại Ai Cập có dạng như chữ L. Cạnh dài đặt nằm ngang với mặt đất và chia làm sáu đoạn bằng nhau để chỉ khoảng thời gian trong ngày.

Từ ba thế kỷ trước Công nguyên các nhà chiêm tinh người Chaldé đã chế ra đồng hồ mặt trời có dạng như cái chén, cái bóng do “cây kim” hắt xuống sẽ thay đổi tùy theo giờ. đồng hồ kiểu này rất chính xác và đã được dùng trong nhiều thế kỷ.

Ngày nay tại các công viên, người ta cũng dựng những đồng hồ mặt trời để trang trí hơn là để sử dụng. Tuy nhiên ngày nay trên các bức tường và các cửa sổ thỉnh thoảng người ta cũng nhìn thấy những kiểu đồng hồ mặt trời thô sơ, cứ nhìn bóng của mái nhà hay mép cửa sổ đến vạch nào thì biết giờ. Muốn có đồng hồ mặt trời chính xác thì phải đặt “cây kim” nghiêng theo góc bằng với kinh độ và địa phương đó dùng để tính giờ. Nếu cây kim dựng đứng thẳng thì chỉ đúng giờ cho một kinh độ và trong một mùa mà thôi. Nếu mặt đồng hồ là mặt phẳng ngang thì các vạch chỉ giờ phải có khoảng cách không bằng nhau.