Bản năng là gì?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum

Hầu hết chúng ta đều cho rằng những hành động của ta đều có chủ ý, đều xuất phát từ ý muốn của ta. Chẳng hạn, ta đứng lên, bắt tay người bạn, ngồi xuống… là vì ta muốn vậy. Bạn nghĩ kỹ lại xem có đúng là “vì ta muốn vậy” không? Chưa chắc. Hành động của con người – và của mọi sinh vật – đâu có thể giải thích một cách đơn giản như thế.

Một hành động đơn giản như đạp xe đạp, bạn đã mặc nhiên – nghĩa là bạn làm mà bạn không nghĩ tới, không cố ý – phối hợp hàng chục động tác khác nhau. Có khi nào bạn ngồi lên xe đạp, bạn nghĩ trước tiên ta phải làm như thế này, sau đó ta phải làm như thế kia – thí dụ: phải nắm chắc cái ghi đông rồi mới đặt một chân lên bàn đạp rồi nhấn bàn đạp… hay là bạn cứ thót lên cái xe đạp vừa đạp vừa suy nghĩ đâu đâu, vừa nói chuyện cười cợt…? Nhờ đâu, không chú ý gì tới các động tác đạp xe đạp – nghĩa là bạn không cố ý, không “do ý muốn” – mà bạn vẫn đi xe đạp được một cách “ngon lành”? Nhờ học tập và kinh nghiệm!

Ta sang một thí dụ khác. đêm tối, bạn sờ soạng, đụng phải một vật nóng, bạn liền giựt tay lại. Bạn có suy nghĩ đụng tay vào vật nóng ta sẽ bị phỏng, do đó, phải giựt tay lại? Sau khi bạn suy nghĩ thế xong rồi bạn mới giựt tay lại hay là đụng một cái là giựt tay lại liền, đó là một phản xạ.

Một thí dụ khác cho thấy bạn thực thi một hành động mà chẳng suy nghĩ trước. Bạn suy nghĩ: ta đã ăn lúc 12h, bây giờ là 19h, trong bảy giờ đồng hồ thức ăn trong bao tử ta đã tiêu hóa hết rồi, vậy ta đói. Sau khi suy nghĩ như thế rồi bạn mới có cảm giác đói, phải không? Chắc chắn là không. Như vậy, cảm thấy đói và đi kiếm cái gì “dằn bụng” là một hành vi bản năng đó thôi!

Loài người hay loài vật – đói bụng thì đi tìm thức ăn – có bản năng hay không là điều các nhà tâm lý học chưa hoàn toàn đồng ý với nhau. Nhưng điều ta biết chắc chắn là loài vật sinh hoạt theo sự thúc đẩy của bản năng. Bản năng là một hành vi ta thực hiện một cách hoàn hảo, tự nhiên, không cần học tập, không cần suy nghĩ. Chẳng hạn, con chim gom những cọng cỏ, mụn bông gòn, mảnh giấy… để làm tổ. Nó sắp xếp những thứ đó một cách khéo léo để thành một cái tổ vững chãi, ấm, êm, kín (gió) và giống tổ chim khác cùng loại với nó mà không cần học một “khóa” huấn luyện nào. Chỉ có bản năng mới có thể giải thích được hành vi làm tổ của con chim.

Hành vi do bản năng được thực hiện do một sự thúc đẩy tự nhiên từ chính “bên trong” của sinh vật, chẳng hạn như đói, sợ, giao phối…). Rất có thể do các tuyến tiết ra một thứ “hoóc môn” tạo nên một động lực thúc đẩy, kích thích sinh vật đó phải hành động như thế này, như thế kia mà ta gọi là sinh hoạt bản năng. Tìm kiếm thức ăn, truyền giống, nuôi con, di trú, ngủ đông… tất cả những hành vi này đều có liên quan đến hoạt động của các tuyến trong cơ thể loài chim.

Hầu hết các sinh vật đều có những hành vi sinh hoạt theo bản năng để có thể thỏa mãn nhu cầu sinh tồn của mình.