Do đâu thức ăn có mùi vị?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 10 – Arkady Leokum

Thật ra toàn bộ quá trình thưởng thức là một điều hết sức phức tạp. Trước hết, chúng ta bắt đầu với những gai vị giác là những chấm nhỏ li ti lồi lên trên lưỡi. Mỗi người có khoảng ba ngàn gai vị giác.

Chúng ta biết mùi vị khi những phân tử của một chất chạm vào những sợi lông trên gai vị giác tạo ra một phản ứng. Chỉ có những chất trong hỗn hợp có những nguyên tử hoạt động tự do mới cho biết mùi vị. Ví dụ một hòn bi chai không có mùi vị gì.

Bất cứ chất nào làm cho nguyên tử di chuyển nhanh hơn thì càng dễ biết mùi vị. Điều này còn được hỗ trợ bằng nhiệt lượng, do đấy ta uống cà phê nóng đắng hơn cà phê nguội, thịt heo muối mặn hơn khi còn nóng và thịt ăn ngon hơn khi còn nóng.

Gai vị giác ghi nhận mùi vị qua 4 cảm giác: ngọt, mặn, đắng và chua. Những phần của lưỡi rất bén nhạy với những mùi vị khác nhau. Phần dưới của lưỡi càng bén nhạy đối với vị đắng, hai bên đối với vị chua và mặn, đầu lưỡi đối với vị ngọt.

Vì thức ăn được tạo nên bởi các chất khác nhau, nên ta có mùi vị hỗn hợp. Táo thì chua và ngọt. Chính cảm giác về mùi vị cũng là một cảm giác hỗn hợp. Không có mùi vị nào là thuần túy cả. Khi chúng ta thưởng thức đồ ăn, chúng ta có cảm giác khó nuốt hay dễ nuốt, lạnh, nóng hay có mùi thơm. Sự tổng hợp của nhiều cảm giác làm chúng ta biết thưởng thức đồ ăn. Cà phê, trà, thuốc lá, táo, cam, chanh và các thứ khác làm kích thích khứu giác hơn là vị giác khi chúng ta thưởng thức chúng.