Mời bạn trả lời câu hỏi sau đây: 10 oC (bách phân) tương đương với bao nhiêu độ Fahreheit?

Thông thường, để trả lời câu hỏi này bạn phải biết mối quan hệ giữa nhiệt độ C và nhiệt độ F?

F = 9/5C + 32

Thay C = 10 vào công thức ta tính được F = 50. Thế nhưng nếu bạn dùng loại nhiệt kế có chia độ theo nhiệt độ F bạn có thể đọc trực tiếp kết quả. Nhưng cũng có thể sử dụng phương pháp tính toán nhờ các hệ đường đặc biệt gọi là toán đồ thì sẽ vô cùng thuận tiện: Nhờ toán đồ ta không phải dùng công thức tính toán mà đọc được kết quả trực tiếp trên toán đồ. Đó là ưu điểm nổi bật của phương pháp toán đồ. Toán đồ dùng cho nhiệt kế là loại toán đồ đơn giản nhất, người ta cũng gọi là đồ thị Nômô.

Ta hãy xét một ví dụ khác: Khi đấu song song hai điện trở 5 kΩ và 7,5 kΩ, tính điện trở tương đương của mạch đó?

Ta tính điện trở tương đương theo công thức: 1/R = 1/R1 + 1/R2 và có thể tính được ngay R = 3 KΩ. Thế liệu có thể thiết lập một toán đồ để tính không?

Trước hết ta vẽ một góc 120o và đường phân giác của góc. Chia độ với đơn vị dài như nhau trên hai cạnh và trên phân giác, ta được một toán đồ đơn giản. Khi sử dụng chỉ cần dùng thước nối hai điểm 7,5 và 5 trên hai cạnh. Đường thẳng cắt phân giác tại điểm nào, đó chính là giá trị R cần tìm. Theo đồ thị ta có thể tìm thấy R = 3.

Chắc các bạn cũng sẽ chú ý một điều là khi đọc trên đồ thị loại này thì việc đọc các số lẻ khó chính xác, vì vậy giá trị tìm được chỉ là gần đúng. Nhưng trong thực tế thì các giá trị gần đúng này cũng đủ để làm việc.

Từ khoá: Phương pháp toán đồ; Đồ thị Nômô.