Sóng thần nguy hiểm như thế nào?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 6 – Arkady Leokum

Chúng ta chưa “quen thuộc” lắm hiện tượng “sóng thần”. Sóng thần là do ở đáy biển đột nhiên có xung lực cực mạnh gây nên cơn sóng lớn có tính phá hủy.

Có hai nguyên nhân sinh ra sóng thần:

Một là sóng thần tự nhiên: do động đất mạnh, núi lửa phun, đáy biển tụt xuống hoặc bị đất lở gây nên sóng lớn.

Hai là sóng thần nhân tạo: do các cuộc thí nghiệm nổ hạt nhân trong biển tạo ra sóng lớn dữ dội.

Trên thế giới, sóng thần thường tập trung ở vùng Nam Thái Bình Dương, kế đó là vùng biển bờ Tây châu Mỹ. Bị thiệt hại nhiều nhất là quần đảo Nhật Bản, Indonesia, bờ biển Chile và Péru, quần đảo Hawaii.

Năm 1883, ở Indo- nesia có một trận núi lửa phun tạo ra một lần sóng thần cực mạnh, sóng cao 40m, 32 giờ lan đến eo biển nước Anh, tàu bè đỗ ở cảng bị đổ nghiêng. Sóng thần đã làm ngập hơn 1000 thôn xóm ven bờ biển Indonesia, làm chết 3,6 vạn người, tổn thất nặng nề.

Năm 1896, động đất ở Nhật Bản đến 7,6 độ rích-te, sóng thần làm chết hơn 27.000 người, hàng vạn người bị thương, phá hủy 10 ngàn căn nhà.

Năm 1946, sóng thần Aleutian và năm 1952, sóng thần Kamchatka có sóng cao tới 10-15m, nước bắn lên vịnh cao hơn 50m. Sóng thần gây tổn thất nghiêm trọng cho các vịnh và cảng lân cận, cho sinh mệnh và tài sản của con người.

Năm 1960, vùng ven biển Chile có động đất mạnh, sóng thần ào vào quần đảo Hawaii, xô đổ hòn đá huyền vũ nặng 10 tấn và kéo xa đi 100 mét, xô một chiếc cầu thép và đường sắt ra khỏi trụ hơn 200m, Chile chết và bị thương hơn 2000 người, Hawaii hơn 300 người, Nhật Bản hơn 1000 người.

Sóng thần là một con sóng cực lớn và đột ngột, không có cách nào phòng ngừa nên nó gây ra tổn thất nghiêm trọng về người và kinh tế.

Sóng thần nhân tạo là do con người gây ta, có chuẩn bị trước nên thường không có tổn thất nào.