Tại sao các nhà di truyền học lại thích con ruồi giấm?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 7 – Arkady Leokum

Tuy chúng ta căm ghét ruồi nhặng, nhưng cũng nên biết có một loại ruồi giúp ích rất nhiều cho các nhà di truyền học. Đó là con ruồi giấm (drosophila) – ngôi sao nổi tiếng và là con cưng trong phòng thí nghiệm khoa học. Ngày nay, trong phòng thí nghiệm nghiên cứu di truyền học của các nước hầu như không tách rời được loại ruồi giấm này.

Bất kể ở nông thôn hay thành thị đều dễ tìm thấy con ruồi giấm sống hoang dã. Nó là loại ruồi nhặng nhỏ, chỉ bằng 1/4 con ruồi nhặng thông thường ở trong nhà. Bạn chỉ cần đặt một ít quả dưa nát ở nơi râm mát là phát hiện và thu thập được chúng. hình dạng con ruồi giấm muôn hình muôn dạng: mình đen hoặc màu tro, cánh có loại dài loại ngắn, mắt thì đỏ hoặc trắng, rất dễ so sánh. Chu kỳ sống của chúng rất ngắn, dễ nuôi trong phòng thí nghiệm, vào khoảng hai tuần lễ là hoàn thành một chu kỳ. Nói một cách khác, chưa đầy hai tháng, bạn đã thấy ông bà, cha mẹ, cháu chắt lũ khũ của chúng, có thể thấy sự biến hóa và biểu hiện hình dáng tính chất của chúng, mặt khác, tế bào trong mình ruồi giấm chỉ có bốn cặp nhiễm sắc thể mang tính chất di truyền, dễ quan sát và phân tích.

Nhà sinh vật học nổi tiếng Morgan, người Mỹ, phát hiện ra hai qui luật di truyền căn bản: liên kết, hoán vị gen và tác động qua lại giữa các gen.

Trước Morgan, nhiều người đã làm thí nghiệm tạp giao di truyền. Mendel, người áo, phát hiện hai qui luật quan trọng: di truyền phân ly độc lập và di truyền đồng tính. Năm 1910, Morgan đã “ngẫu nhiên” phát hiện trong phòng thí nghiệm của mình một con ruồi giấm cái mắt trắng giao phối với con ruồi giấm đực mắt đỏ, sinh ra đàn con mắt đỏ. Khi cho lớp đàn con này đực cái giao phối với nhau, kết quả có đàn cháu 3/4 mắt đỏ và 1/4 mắt trắng. qua quan sát kỹ, ông ta rất ngạc nhiên thấy toàn bộ ruồi giấm mắt trắng đều là đực, không thấy một con cái mắt trắng nào. Chuyện gì vậy? phải chăng việc đó đã nói lên di truyền và tính trạng có một quan hệ nhất định? Ông cùng đồng sự tiếp tục nghiên cứu, kết quả phát hiện ra quy luật quan trọng thứ ba: di truyền phân ly độc lập. họ còn phát hiện trong tế bào tuyến nước bọt của ấu trùng ruồi giấm có một loại nhiễm sắc thể rất lớn (có thể to gấp hơn 100 lần nhiễm sắc thể của tế bào thông thường). Từ đó có thể tìm thấy hoặc nghiên cứu đơn vị cơ bản vật chất di truyền rất nhỏ ở trên đó. qua nhiều cuộc thí nghiệm vẽ ra “bản đồ vị trí” của các đơn vị cơ bản đó, rồi dùng “bản đồ” đó mà con người đã mở ra sự nghiệp vĩ đại của công trình di truyền.

Gần đây, các nhà khoa học đưa ruồi giấm vào vũ trụ để nghiên cứu ở trạng thái không trọng lượng. và bước đầu đã có kết luận: ruồi giấm có thể sống trên vệ tinh, có thể đẻ trứng bình thường nhưng không thể thụ tinh. Các nhà khoa học đã phát hiện ra gần 3000 loài ruồi giấm trên toàn thế giới; đến năm 1984, toàn thế giới đã ghi chép được 2822 loài.