Tại sao chuột cõng lại có thể giả chết như thật?
Chuột cõng sinh sống ở vùng nhiệt đới Châu Mĩ, còn có tên gọi là chuột túi “Châu Mĩ”, điểm không giống với chuột túi ở Australia là túi đựng con của thú cái chưa hoàn thiện. Do con chuột cõng thường trèo lên trên lưng thú mẹ, dùng đuôi quấn chặt lấy đuôi của thú mẹ để cho mẹ cõng chúng đi, do vậy chúng được lấy tên là “chuột cõng”.
Đầu của chuột cõng giống lợn, đuôi giống chuột, thân hình giống mèo, thường ra ngoài vào ban đêm để bắt côn trùng, ốc sên, tôm nhỏ… Do khả năng phòng vệ của chuột cõng rất kém, mà kẻ địch lại rất nhiều như sói, báo, chó, mèo rừng v.v.. nên khi gặp kẻ địch mạnh tấn công, phương pháp chuột cõng thường dùng nhất chính là lập tức ngã ra đất giả vờ chết, và “tư thế chết” của nó giống hệt như chết thật. Khi chuột cõng giả chết, nó thường há to miệng, lưỡi thè ra ngoài, hai mắt nhắm chặt, tứ chi cứng đờ, bụng phình to lên, ngừng thở và tim ngừng đập, chiếc đuôi dài cuộn lại ở giữa hàm trên và hàm dưới. Lúc này, kẻ địch hay người chạm vào bất kì bộ phận nào của nó thì cũng đều không nhúc nhích.
Thời gian giả vờ chết của chuột cõng, ngắn thì vài phút, dài thì vài tiếng. Trong lúc này, nếu con người nhìn thấy hình dạng này của nó thường tưởng nó là một con chuột chết đáng ghét liền đá nó ra khỏi nhà; còn nhiều dã thú ăn thịt khác lại có thói quen không ăn xác chết, tưởng nhầm là nó chết thật, đành phải cụt hứng bỏ đi. Sau đó không lâu, chuột cõng lại có thể hồi phục lại bình thường, nhìn thấy xung quanh đã không còn nguy hiểm lập tức vùng dậy chạy đi.
Tại sao chuột cõng giả vờ chết lại có thể giống như thật đến vậy nhỉ? Đó là vì khi chuột cõng bị sự tấn công hoặc uy hiếp nghiêm trọng của kẻ địch, do quá căng thẳng, nên trong cơ thể tiết ra một loại chất gây tê, chất này nhanh chóng đi vào trong não làm cho nó mất đi cảm giác, ngã xuống đất “chết” rất nhanh. Việc này không giống với việc loài cáo xảo quyệt giả vờ chết để lừa đối phương hay vịt trời giả vờ chết để lừa chó sói.