Tại sao đất đen thảo nguyên lại có độ phì cao?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 6 – Arkady Leokum

Trên bình nguyên, khí hậu tương đối ôn hòa và ẩm thấp, nơi nào cũng có cỏ tạp mọc um tùm, cao hơn nửa mét, người ta gọi nơi này là thảo nguyên ôn đới. Trên thảo nguyên ôn đới hình thành một loại thổ nhưỡng màu đen, gọi là đất đen. Đất đen hình thành như thế nào? Tại sao nó có độ phì rất cao?

Cỏ tạp trên thảo nguyên hễ đến mùa đông là chết cóng, lại bị tuyết chôn vùi. Mùa đông rất lạnh, độ dày đất đông hơn 2 mét. Mùa xuân tuyết tan, đất bề mặt tan chảy, đất bên dưới vẫn đông cứng, nước tuyết không thấm xuống được, cỏ khô năm trước không mục được, chất chồng ở lớp bề mặt của thổ nhưỡng. Sau bao nhiêu năm, độ dày lớp cỏ khô chồng chất đó tăng lên, độ dày lớn nhất hơn 70 centimét. Đó là lớp “mùn” màu sắc rất đen. Kết cấu thổ nhưỡng tơi xốp, khả năng giữ nước rất lớn, điều kiện thông khí tốt, chất dinh dưỡng phong phú, là loại thổ nhưỡng có độ phì rất cao.

Đất đen là một trong những loại thổ nhưỡng phì nhiêu nhất, là thổ nhưỡng sản xuất lương thực quan trọng nhất.