Tại sao ghe thuyền lại nổi trên mặt nước?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum

Ghe, thuyền đã vậy, mà ngày nay cả những chiếc tàu chiến, hàng không mẫu hạm cũng nổi lềnh bềnh trên mặt nước là tại sao? Nói chung, về nguyên tắc thì thế này: thả vật gì vào chất lỏng mà nó nổi lên ấy là vì nó bị chất lỏng ấy đẩy lên, nâng lên. Và sức đẩy của chất lỏng thì ngược chiều với trọng lực (trọng lực là sức hút, sức kéo xuống của trái đất).

Cái khiến cho ghe, tàu nổi trên mặt nước là do sức đẩy (lên) của nước. Lực này tác động vào bất cứ vật nào được thả vào chất lỏng. Muốn thử xem sức đẩy của nước có mạnh hay không, bạn cứ lấy một trái banh nhấn vào trong nước là biết liền.

Không phải chỉ những vật nổi trên mặt nước mà ngay cả những vật chìm trong nước cũng bị tác động bởi sức đẩy lên của mặt nước. Một tảng đá, ở trên bờ bạn vác không nổi nhưng thả xuống nước thì bạn lại vác nổi, ấy là nhờ sức đẩy của chất lỏng.

Sức đẩy của chất lỏng không đủ để làm cho một vật có thể tích nhỏ nhưng trọng lượng lớn nổi lên được. Trọng lượng của một vật không phải là yếu tố quyết định để vật đó “chìm” hay “nổi” trong chất lỏng. Chẳng hạn, một thỏi sắt nặng 50kg thả vào trong nước thì chìm nhưng một thanh gỗ thông nặng 50kg thì lại nổi. Một vật “nổi” hay “chìm” trong chất lỏng là do tỷ trọng của vật đó. Nếu lấy hai vật có cùng kích cỡ, một làm bằng thép, một làm bằng nút bần thì vật bằng thép nặng hơn mặc dù thể tích của hai vật đó bằng nhau (nghĩa là nó chiếm khoảng không gian bằng nhau). Sắt chìm vì tỷ trọng sắt lớn hơn tỷ trọng nút bần.

Nhưng, đến lượt tỷ trọng thì ta lại phải lưu ý. Tỷ trọng vừa tùy thuộc vào trọng lượng vừa tùy thuộc vào kích cỡ (thể tích). Hai vật có cùng trọng lượng, vật có tỷ trọng lớn hơn chính là vật có kích cỡ nhỏ hơn. Và ngay chất lỏng cũng có tỷ trọng khác nhau. Nếu vật có tỷ trọng lớn hơn tỷ trọng nước, trọng lượng của vật lớn hơn trọng lượng nước mà vật ấy chiếm thì vật ấy sẽ bị chìm, và ngược lại… thì nổi.

Một con tàu có vỏ thép và chiếm một khoảng không gian lớn, nhưng trọng lượng toàn thể con tàu ấy vẫn nhỏ hơn trọng lượng của khối nước do tàu ấy chiếm, do đó, con tàu nổi trên mặt nước.