Tại sao khi ăn dứa tốt nhất trước tiên phải nhúng qua nước muối?

Dứa là loại thực vật thân thảo sinh trưởng nhiều năm, lá hình kiếm, rậm dày, mép có gai nhọn, là một loại quả nổi tiếng vùng nhiệt đới. Chúng vốn có gốc ở Braxin của Châu Mỹ, sau dần dần được chuyển đến Trung và Nam Mỹ. Trung Quốc, từ thế kỷ XVII bắt đầu trồng dứa.

Quả dứa chín, thịt quả nhiều có màu vàng, nhiều nước, chứa nhiều chất dinh dưỡng, có một vị thơm ngọt đặc biệt. Nhiều người khi ăn quả thơm ngon này lại thích cắt ra từng miếng nhỏ rồi nhúng qua nước muối mới ăn, tại sao vậy?

Thịt quả của quả dứa ngoài chứa phong phú thành phần đường và vitamin C ra, còn có không ít các axit hữu cơ khác như axit malic, axit xitric. Trong thịt quả dứa chín, hàm lượng axit hữu cơ tương đối ít, hàm lượng đường tương đối nhiều, quả tươi ăn thơm ngon hợp khẩu vị. Nhưng trong quả dứa chưa chín, hàm lượng axit hữu cơ tương đối nhiều, hàm lượng đường ít, vị chua. Sau khi bạn ăn quả dứa mà chưa nhúng qua nước muối thì trong mồm và khoé miệng sẽ có cảm giác tê rát, đó là do trong thịt quả dứa có chứa một loại “men dứa”, men này có thể phân giải protein, có tác dụng kích thích đối với các biểu bì mỏng của niêm mạc trong họng và môi chúng ta, vì vậy khi ăn dứa trước tiên nên nhúng qua nước muối, có thể ức chế men dứa kích thích đối với niêm mạc trong mồm và môi chúng ta, đồng thời cũng cảm thấy dứa ngọt hơn.

Men dứa là một loại anbuminoit, có tác dụng phân giải protein, vì vậy sau khi ăn dứa có tác dụng tăng sự thèm ăn. Nhưng men dứa quá nhiều đối với cơ thể con người sẽ sản sinh tạo ra tác dụng phụ, gây ra bệnh viêm dạ dày. Vì vậy khi ăn dứa nên chú ý phương pháp và lượng thích hợp, như vậy mới có thể thực sự thưởng thức vị ngọt của dứa. Dứa cũng là một nguyên liệu tốt cho sản xuất thức ăn, đóng hộp. Vỏ, lõi quả của nó còn có thể dùng sản xuất nước dứa, rượu dứa, dấm dứa và luyện chế axit xitric, abuminôit dứa.