Tại sao ngày 13 – thứ sáu lại bị coi là ngày “xui”?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum

Con người vẫn thường có những mê tín liên quan đến ngày và con số. Có những ngày, những con số được coi là “hên”. Chẳng ai hiểu tại sao con số 13 lại bị coi là “xui”, mặc dù đã có nhiều lý thuyết đưa ra nhằm giải thích, như một huyền thoại của xứ Thụy điển chẳng hạn. Theo truyện này thì đã có 12 vị bán thần (hay á thần) và rồi Loki xuất hiện làm thành á thần thứ 13. Vì Loki là thần xấu xa, độc ác, gây ra cho loài người nhiều rủi ro tai họa, và vì ông được xếp thứ 13, do đó, số 13 là dấu hiệu của sự rủi ro, tai họa. Cũng có người cho rằng sự mê tín về con số 13 có liên quan tới bữa Tiệc Ly, là bữa ăn cuối cùng của đức Chúa Jesus trước khi chịu nạn. Trong bữa tiệc ấy, Judas, tên môn đệ phản thầy là người thứ 13. Dù có nguồn gốc hoặc cách giải thích như thế nào thì sự mê tín về con số 13 cũng chỉ phổ biến ở những nước châu Âu và châu Mỹ mà thôi.

Mê tín về ngày hên ngày xui thì cũng phổ biến như mê tín về con số. Và mê tín về ngày thứ sáu có lẽ là mê tín phổ bến nhất. Ngay từ thời La Mã cổ, ngày thứ sáu trong tuần được dành để kính thần Vệ Nữ. Khi những người Bắc Âu cũng chấp nhận cách phân phối thời gian thành tuần lễ và cách đặt tên các ngày trong tuần thì họ cũng chấp nhận gọi ngày thứ sáu là ngày của thần Vệ Nữ nhưng họ gọi dưới cái tên là Frigg hoặc Freya. Từ chữ Frigg hoặc Freya này mà thành ra Friday (ngày thứ sáu trong tuần). Người Bắc Âu lúc đó coi ngày thứ sáu là ngày “hên” nhất trong khi những dân châu Âu chịu ảnh hưởng văn hóa La tinh Ki Tô giáo thì lại cho là ngày “xui”. Một trong những lý do của mê tín này có lẽ là do đức Chúa Jesus bị đóng đinh và tử nạn vào ngày thứ sáu.

Con số 13 và ngày thứ sáu – theo mê tín – được coi là ngày xui, gở. Nếu ngày thứ sáu lại trùng hợp với ngày 13 nữa – thì hai cái xui chập làm một – thì sự xui, gở lại càng trầm trọng.