Trong trứng hoá thạch của khủng long có thể tìm được những đầu mối nào?
Chúng ta biết rằng, 65 triệu năm trước, khủng long đã bị tuyệt chủng. Muốn tìm hiểu về tình hình sinh sống của khủng long lúc đó, chỉ có thể dựa vào bộ xương và trứng hoá thạch của khủng long giống như những quả cầu đá, rốt cuộc có thể cho các nhà sinh vật cổ học thấy bao nhiêu đầu mối có giá trị vậy?
Năm 1922, các nhà khoa học Mông Cổ đã phát hiện thấy những hoá thạch thành tổ của khủng long, trước tiên nó đã chứng minh được một điều là ít nhất có một bộ phận khủng long đẻ trứng.
Do ổ trứng của khủng long này có hình rẻ quạt xếp theo thứ tự, tầng trong càng hướng về phía tâm vòng tròn thì số lượng trứng của khủng long càng ít, nhưng thể tích lại càng lớn. Các nhà khoa học căn cứ vào hiện tượng này suy đoán: vào mùa sinh đẻ, khủng long có lẽ giao phối với nhau thành bầy. Trước khi khủng long cái đẻ trứng, đầu tiên dùng chân trước đào một hố tròn, phần giữa hố gồ lên. Tiếp theo, nó vây lấy hố để đẻ trứng, mỗi lần đẻ một vòng thì dùng đất lấp lên, lại tiếp tục đẻ vòng thứ hai, lại dùng đất lấp lên, tối đa có thể đẻ được 4 vòng trứng. Xếp trứng lại thành hình rẻ quạt có thể hạn chế hấp thu ánh nắng Mặt Trời tối đa, có lợi cho việc nở trứng được thành công.
Đến những năm 80 của thế kỉ XX, các nhà sinh vật cổ học phát hiện, trong thời kì khủng long sắp tuyệt chủng, nhiều vỏ trứng của trứng khủng long, có vỏ quá dày, có vỏ quá mỏng. Vỏ trứng quá dày sẽ bịt lỗ khí quá nhỏ trên thân vỏ, khi phôi thai phát triển sẽ bị chết vì thiếu oxi. Vỏ trứng quá mỏng thường là vẫn chưa trưởng thành hoàn toàn thì đã sinh ra, loại trứng này chỉ cần hơi đập nhẹ một chút sẽ vỡ.
Trứng vỏ dày và trứng vỏ mỏng xuất hiện như thế nào nhỉ? Các nhà sinh vật cổ học khi nghiên cứu quá trình gà vịt đẻ trứng đã phát hiện, khi chúng chuẩn bị cho trứng ra ngoài cơ thể, nếu như bất ngờ gặp phải những sự kích thích nào đó, như nhiệt độ không khí thay đổi đột ngột, bị kinh động…, hoóc môn trong cơ thể xuất hiện sự thay đổi, trứng sẽ rút về, tiếp tục phát dục trong ống dẫn trứng. Như vậy, bên ngoài vỏ trứng cũ sẽ tăng thêm một tầng vỏ trứng mới. Đôi khi do sự kích thích của bên ngoài dẫn đến kích tố sinh dục mất cân bằng, thúc đẩy trứng ra ngoài trước, trứng đẻ non sẽ tạo ra vỏ trứng rất mỏng.
Nếu như vỏ trứng dày hay vỏ trứng mỏng của khủng long cũng là bị sự kích thích của bên ngoài dẫn đến, vậy thì, đó là sự kích thích bên ngoài như thế nào? Các nhà khoa học lập tức liên tưởng đến “học thuyết va đập của hành tinh nhỏ” giải thích sự tuyệt chủng của khủng long cho rằng Trái Đất có thể vào lúc đó bị một lần va đập mạnh, làm cho khí hậu xuất hiện sự thay đổi đột ngột, đây có lẽ chính là sự kích thích của bên ngoài rất lớn.
Tóm lại, thông qua nghiên cứu trứng hoá thạch của khủng long, có thể từ đó tìm hiểu được nhiều thông tin của thời đại đó, như sinh đẻ tại chỗ của khủng long, khí hậu thay đổi, cấu tạo địa chất thay đổi và môi trường sinh thái thay đổi, v.v..