Vì sao hải lưu là nguồn năng lượng lí tưởng?
Trong Đại chiến Thế giới lần thứ nhất, người Đức đặt rất nhiều thủy lôi ngoài duyên hải của nước đối địch, nhằm đánh đắm các chiến hạm và phong tỏa hải cảng. Không ngờ sau đó không lâu những thủy lôi này lại xuất hiện ở biển Bắc Băng Dương, từng quả đụng vào băng nổ tung. Điều đó gây nên sự bàn luận rầm rộ, người ta không hiểu được vì sao người Đức lại đặt thủy lôi ở vùng Bắc Băng Dương không hề có bóng người. Còn người Đức thì nghi hoặc mãi không hiểu vì sao những quả thủy lôi này lại trôi đến tận Bắc Băng Dương.
Một sự kiện khác khiến người ta không hiểu nổi, đó là một em bé người Mỹ chơi trên bờ biển nhặt được một chiếc bình nhỏ. Em bé tò mò mở ra thấy trong bình đựng một di chúc của quý phu nhân người Anh. Trong đó viết rằng: ai nhặt được bình này, theo di chúc có thể nhận được một tài sản rất lớn. Như vậy chỉ trong chốc lát em bé đã trở thành triệu phú.
Vì sao thủy lôi từ bờ biển Tây Âu lại trôi đến Bắc Băng Dương? Chiếc bình nhỏ từ nước Anh lại trôi nổi sang nước Mỹ? Nguyên nhân là tất cả những vật đó đều do dòng hải lưu vận chuyển trôi đi. Trong đại dương có một luồng nước chảy, giống như các sông ngòi trên lục địa, nó chảy cố định theo một quy luật, người ta gọi đó là dòng hải lưu.
Nguyên nhân hình thành hải lưu rất nhiều, nhưng chủ yếu nhất là sự vận động của khí quyển. Trên mặt biển có những luồng gió mạnh khiến cho nước bề mặt chuyển động theo chiều gió, nước biển ở tầng trên lại mang nước biển tầng dưới chuyển động theo, cứ như thế hình thành nên những dòng hải lưu rất mạnh. Ngoài ra, sự chênh lệch của mật độ nước biển cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên dòng hải lưu. Ví dụ mật độ nước biển của Địa Trung Hải lớn hơn ở Đại Tây Dương, cho nên tầng nước bề mặt từ Đại Tây Dương chảy vào Địa Trung Hải, nước tầng đáy từ Địa Trung Hải chảy vào Đại Tây Dương. Ngoài ra vì gió thổi và mật độ chênh lệch nhau mà hình thành nước biển chảy từ trong biển gần bờ ra ngoài khơi, nước biển ở vùng quanh biển bèn bổ sung vào, đó cũng là một trong những nguyên nhân hình thành hải lưu.
Hải lưu là nguồn năng lượng đem lại lợi ích cho loài người. Trên thực tế con người đã biết lợi dụng nguồn năng lượng này. Ví dụ khi đi trên biển cho tàu chạy thuận theo dòng hải lưu đã tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu. Ngày nay, con người không chỉ thỏa mãn cho tàu chạy theo dòng hải lưu mà còn nghĩ cách làm thế nào lợi dụng rộng rãi hơn nguồn năng lượng hải lưu để phục vụ cuộc sống. ý tưởng táo bạo nhất là dùng hải lưu để phát điện. Có người đã tính, nếu trên các dòng hải lưu của thế giới xây dựng các trạm phát điện, dùng sức nước hải lưu để quay tuabin thì mỗi năm các dòng hải lưu có thể cung cấp 8.760 tỉ kWh điện, tương đương với năng lượng đốt cháy một tỉ tấn dầu mỏ để phát điện. Ngoài ra dùng hải lưu để phát điện sẽ không gây ô nhiễm môi trường. Qua đó có thể thấy hải lưu là một nguồn năng lượng có tiền đồ to lớn.
Từ khoá: Nguồn năng lượng; Hải lưu; Nhà máy điện hải lưu.