Vì sao mặt những tấm phù điêu đá cẩm thạch ở Cố Cung lại xuất hiện vết rạn?

Trong sân Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh có rất nhiều bức phù điêu bằng đá cẩm thạch và đá bạch ngọc. Chúng biểu trưng cho tinh hoa kiến trúc cổ Trung Quốc, là niềm tự hào của dân tộc Trung Hoa. Nhưng mấy chục năm gần đây, những bức phù điêu rất tinh tế này bắt đầu mờ ảo, đã xuất hiện vết rạn đen ở những nét điêu khắc .

Thực tế là trên thế giới có rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng đều xuất hiện hiện tượng tương tự.

Đền Taj Mahal của Ấn Độ xây dựng ở thế kỉ XVII, đó là Cung điện do hoàng đế Môgôn Shàh Jahàn (gốc Ba Tư) kỉ niệm vợ yêu là Mumtaz Mahal mà xây dựng nên. Toàn bộ cung điện đều dùng vật liệu đá cẩm thạch, đẹp đẽ tinh khiết, trên thế giới độc nhất vô nhị. Nhưng 20 năm gần đây, những phiến đá trắng tinh khiết này bắt đầu chuyển thành màu vàng.

Thành cổ Aten đã có hơn 2.000 năm lịch sử, hầu như được xây dựng bằng toàn bộ đá cẩm thạch trắng. Ngày nay những bức phù điêu đẹp đẽ và sắc nét này đã bị biến dạng, các nét mờ nhạt, hoàn toàn mất đi vẻ đẹp trước đây.

Tượng nữ thần Tự Do sừng sững ở New York, Mỹ là tượng đài kỉ niệm do người Pháp tặng năm 1886, có lịch sử hơn 100 năm nay. Da của bức tượng làm bằng đồng, thân gồm giá bằng thép đỡ. Gần đây thân bức tượng đã kém vẻ đẹp, nhiều chỗ còn phát sinh những vết nứt gãy.

Ngoài ra kiến trúc cổ Venizơ ở Italia, kiến trúc cổ Manchester ở Anh và các tượng đài ở Đức cũng bị hoen gỉ rất nghiêm trọng. “Hung thủ” tạo nên những hiện tượng này là mưa axit trong mấy chục năm gần đây. Xung quanh các công trình kiến trúc này người ta đã xây dựng nhiều nhà máy dùng than đá hoặc dầu mỏ làm nhiên liệu, hàng ngày thải vào không khí một lượng lớn khí sunfua. Chúng kết hợp với hơi nước trong không khí gây nên mưa axit. Vì trong đá cẩm thạch, đá hoa cương có chứa cacbonat canxi, chất này đã phát sinh phản ứng hóa học với nước mưa axit, do đó các công trình kiến trúc đã dần dần bị bong lở, phá hoại. Các giọt mưa axit li ti được đồng hoặc thép trên các công trình kiến trúc hấp thụ, khiến cho chúng phát sinh điện hóa, trở nên hoen rỉ. Kết quả bề mặt của các công trình kiến trúc bong ra từng mảng, đinh tán lỏng ra, chân tượng bị gãy.

Mưa axit đã gây nên những tổn hại đối với các công trình kiến trúc cổ, điều đó làm cho mọi người phải quan tâm. Muốn giảm mưa axit, bảo vệ các di tích cổ thì phải giảm đốt than đá và dầu mỏ, ra sức tìm kiếm và sử dụng những nguồn năng lượng mới sạch hơn.

Từ khoá: Mưa axit.