Vì sao phải định ra Luật môi trường quốc tế?

Luật môi trường quốc tế là một bộ phận cấu thành của luật quốc tế hiện nay, hơn nữa nó đang trở thành một bộ phận đặc biệt quan trọng. Vì môi trường toàn cầu là một thể thống nhất nên một quốc gia nào đó nhằm lợi dụng khai thác môi trường hoặc bảo vệ, cải thiện môi trường nhất định sẽ ảnh hưởng đến môi trường của quốc gia khác, thậm chí gây ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu. Ngược lại việc bảo vệ và cải thiện môi trường toàn cầu sẽ đem lại lợi ích cho nhân dân tất cả các nước. Vì vậy đòi hỏi các nước phải hành động nhất trí và hài hòa với nhau. Luật môi trường quốc tế tiến hành điều chỉnh mối quan hệ quốc tế sản sinh ra do các nước tiến hành khai thác, bảo vệ và cải thiện môi trường, nó xác định những nguyên tắc và chế độ cơ bản các nước cần phải tuân theo.

Định ra Luật môi trường quốc tế không những có vai trò thúc đẩy rất lớn đối với bảo vệ môi trường toàn cầu mà còn thúc đẩy Luật môi trường của mỗi nước phát triển và khiến cho các Luật đó tiếp cận tương ứng với các Điều ước môi trường quốc tế. Thông qua các cuộc đàm phán Điều ước môi trường quốc tế và cuối cùng gia nhập Điều ước môi trường quốc tế, các nước sẽ nhận được những thông tin của các nước khác có liên quan đến môi trường, tất nhiên nước đó sẽ xây dựng được những luật tương ứng, thông qua các biện pháp thực thi để các Điều ước có hiệu quả. Như vậy Luật môi trường của mỗi nước cũng sẽ tận dụng được các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế và những chuẩn tắc quốc tế thông dụng khác.

Luật môi trường quốc tế bao gồm những Điều ước có tính song phương, đa phương hoặc tính toàn cầu, như “Tuyên ngôn môi trường nhân loại”, “Tuyên ngôn môi trường Nairôbi”, “Tuyên ngôn môi trường và phát triển Rio de Janeiro” nổi tiếng v.v… Đến năm 1994 đã có 173 Công ước và Hiệp định môi trường toàn cầu, nếu tính thêm cả những Hiệp định có phạm vi ràng buộc hẹp và những Hiệp định song phương thì có tất cả hơn 900 Công ước. Trung Quốc cũng đã kí kết hoặc tham gia hàng loạt Công ước và Hiệp định môi trường quốc tế. Những Công ước đó đề cập đến bảo vệ tầng ôzôn, bảo vệ tính sinh vật đa dạng, phòng ngừa toàn cầu sa mạc hóa, phòng ngừa khí hậu nóng lên, phòng ngừa rừng nhiệt đới bị phá hoại, phòng ngừa các chất thải nguy hiểm chuyển dời quá cảnh v.v… và những vấn đề về các điểm nóng môi trường toàn cầu hiện nay.

Từ khoá: Pháp luật; Luật môi trường quốc tế; Môi trường toàn cầu.