Vì sao Trung Quốc thực hiện chế độ “Ba đồng thời” trong quản lí môi trường?

“Ba đồng thời” là chỉ “Những biện pháp đề phòng ô nhiễm được thực thi đồng thời với thiết kế công trình, đồng thời với thi công, đồng thời với đưa vào sử dụng”. Để dễ nhớ người ta gọi là chế độ “Ba đồng thời”. Ba đồng thời là biện pháp độc đáo trong quản lý môi trường của Trung Quốc, xuất hiện chính thức lần đầu tiên vào năm 1989 khi ban bố và thực thi “Luật bảo vệ môi trường của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”.

Xử lý ô nhiễm môi trường không những phải ra sức giải quyết những nguồn ô nhiễm vốn có mà quan trọng hơn là ngăn ngừa những nguồn ô nhiễm sắp sản sinh. Trung Quốc ngày nay đang tăng cường hiện đại hóa kiến thiết, các công trình mới không ngừng ra đời. Sau khi những công trình này đưa vào sản xuất, muốn chúng không sản sinh ra sự ô nhiễm nào là không hiện thực, biện pháp khả thi nhất là yêu cầu các chủ công trình phải lắp đặt những thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm để tích cực đề phòng. Như vậy khi thiết kế những công trình chính đã phải đồng thời kết hợp thiết kế lắp đặt các thiết bị bảo vệ môi trường tương ứng. Lúc thi công công trình chính phải đồng thời lắp đặt các thiết bị để sau khi hoàn thành là có thể đưa công trình vào sử dụng ngay. Chỉ có như vậy mới có thể phòng ngừa ô nhiễm có hiệu quả. Ưu điểm của chế độ “Ba đồng thời” là vừa có thể khống chế những ô nhiễm sẵn có, vừa tránh được những ô nhiễm mới sắp sản sinh. Vì vậy Trung Quốc đã dùng hình thức luật pháp để khiến nó trở thành chế độ quản lí môi trường độc đáo. Thực tế đó là một biện pháp vừa trị ngọn, vừa trị gốc.

Xí nghiệp Gang thép lớn nhất của Trung Quốc – Tập đoàn Gang thép Bảo Sơn, Thượng Hải lúc thi công đã chấp hành tốt chế độ “Ba đồng thời”: nhà máy xử lí nước ô nhiễm, các thiết bị khử bụi và khói đã được lắp đặt đồng bộ. Kết quả là Nhà máy gang thép loại lớn này đã thu được cả lợi ích về kinh tế và lợi ích về môi trường.

Từ khoá: Chế độ “Ba đồng thời; Quản lí môi trường.