Con nhện độc hay không?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum

Hầu như không một nơi nào trên thế giới này lại không có nhện. Từ nơi thấp sát mặt biển cho đến nơi cao như trên núi Everest, từ trong rừng cho đến đầm lầy, từ đồng cỏ cho đến trong sa mạc, thậm chí trong hang ngầm dưới đất cũng vẫn có nhện.

Nhiều người sợ nhện vì có một vài loại nhện được biết là độc. Thật ra tất cả các giống nhện – chỉ trừ có hai giống mà thôi – đều có tuyến (hạch) độc. Có điều không phải bất cứ nhện nào có hạch độc đều có thể hại ta được. Các tuyến độc này được nhện kiểm soát và chỉ dùng vào những việc đặc biệt. Chẳng hạn, nhện giăng tơ để bắt mồi thì không dùng tới tuyến độc. Những con nhện săn mồi hoặc ẩn nấp dưới hoa để bắt sâu bọ bằng cách dùng cặp “răng nanh” kẹp lấy con mồi rồi giết bằng cách chích chất độc vào con mồi. Tuy nhiên, cũng phải kể trường hợp nhện dùng độc để tự vệ khi chúng bị sập bẫy và cố thoát thì chúng có thể dùng độc như một phương kế sau cùng.

Rất ít nhện độc có thể làm hại nổi con người. Ở Hoa Kỳ chỉ có một giống nhện có tên là “góa phụ áo đen” là thật sự nguy hiểm. Thân hình của “góa phụ” này dài cỡ 1,5cm, đen nhánh và có vòng đỏ phía dưới bụng. Bị nhện này cắn một phát là đau thấu trời và phát sốt lên. Ở Úc châu cũng có vài giống nhện độc rất nguy hiểm. Giống nhện bự con được đặt cho cái tên là “tử thần tarantula” và giống “nhện chuối” cho đến nay thì chưa làm ai chết cả. Nhưng nếu bị chúng cắn một phát thì chỗ đó sưng vù lên và đau nhức tới mấy ngày. đa số các giống nhện cũng chẳng nguy hiểm cho con người hơn so với ong bầu, ong vò vẽ. Thật ra phần lớn giống nhện đều không cắn nếu ta không dùng tay bắt chúng; trừ “góa phụ áo đen”, còn khi gặp các giống nhện khác, ta cứ an tâm. điều đáng ngạc nhiên nơi loài nhện là cái khả năng giăng tơ của chúng. Tơ của chúng được chế tạo tại những tuyến hạch trong bụng. Khi còn trong tuyến, tơ đó là một chất lỏng. Chất lỏng này được ép cho chảy qua lỗ rất nhỏ của bộ phận kéo tơ đặt ở phần trên của bụng. Khi ra đến ngoài, gặp không khí, chất lỏng ấy lập tức khô, đặc lại thành sợi.

Mỗi giống nhện lại có loại tơ khác nhau và ngay nơi một con nhện chúng cũng nhả những loại sợi khác nhau tuỳ theo sợi đó được dùng vào chỗ nào trên lưới nhện.