Phần 1. Đứa trẻ nào cũng cần theo phép tắc

Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn

Trong chương này các bạn sẽ biết được… ➞ Tại sao gương mẫu và tình thương đều cần thiết, nhưng chưa đủ? ➞ Tại sao ngay cả những phụ huynh tận tâm vẫn thường thấy con cái họ thật “rắc rối”? ➞ Bọn trẻ có thể học những quy tắc nào ở mỗi độ tuổi? ➞ Những vấn đề nào đặc biệt thường xảy ra giữa cha mẹ và con cái? ➟ “Giáo dục là gương mẫu và tình thương” – liệu đã đủ?

Cha mẹ cần phải có “công cụ”

Patrick được 2 tuổi rưỡi. Đó là một cậu bé sáng sủa và có khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn như một thiên thần. Tuy nhiên, thằng bé lại là “nỗi kinh hoàng” trong lớp học.

CÁC BÀ MẸ cảm thấy lo lắng và nhìn với ánh mắt hết sức cảnh giác về phía đứa con bé bỏng của mình mỗi khi Patrick tiến đến gần. Sau đó, vẫn như mọi lần, thằng bé ra đòn nhanh như chớp và “nạn nhân” khóc ré lên. Nhiều lúc Patrick còn cắn những đứa bé khác mạnh đến nỗi hai tuần sau vết răng vẫn còn nhìn rõ. Thậm chí nó còn giật đồ chơi từ tay những đứa bé khác rồi ném đi hoặc phá hỏng. Cũng có lúc Patrick tỏ ra ngoan ngoãn và chơi đùa với những đứa trẻ khác. Nhưng rồi lại chẳng ai nhận ra nó là đứa bé ngoan nữa.

Còn mẹ của Patrick thì sao? Với bà, Patrick là một đứa bé tuyệt vời. Bà mẹ hết mực chiều chuộng cậu quý tử. Sau khi có hai bé gái, cuối cùng bà cũng sinh được một bé trai. Bà dồn hết thời gian, tiền bạc và tình thương yêu cho con. Bà chưa từng đánh mắng hay giật đồ chơi từ tay thằng bé rồi phá hỏng cả. Vậy mà thằng bé liên tục làm vậy với những đứa trẻ khác. Tại sao lại như vậy? “Giáo dục là gương mẫu và tình thương – và chỉ có vậy” – đây là câu nói của Friedrich Froebel – người đặt nền móng cho phong trào giáo dục mầm non vào đầu thế kỷ XIX. Nhưng câu nói này không hề đúng với Patrick và mẹ cậu bé.

Mặc dù vậy, đó cũng là một câu nói mang nhiều ý nghĩa. Theo tôi, tình yêu thương là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể mang lại cho con cái. Điều quan trọng thứ hai là phải tạo dựng được thật nhiều hình mẫu cho chúng noi theo. Đây là hai điều cốt lõi giúp chúng ta xây dựng được những bài học giáo dục cho con em mình. “Không có tình yêu thương và gương mẫu thì giáo dục là vô nghĩa” – tôi xin được chuyển ý lại câu nói trên. Không có nền tảng này thì không có nhà tư vấn nào có thể giúp được các ông bố bà mẹ hay chính họ cả.

Trên thực tế, có nhiều trẻ rất cần đến tình yêu thương và tấm gương tốt của bố mẹ để phát triển nhân cách hợp lý, có tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương và hạnh phúc. Những đứa trẻ này có khả năng tiếp thu từ rất sớm thông qua nhận thức, chấp nhận các giới hạn mà không chống đối, tự giác thực hiện các nghĩa vụ – nói ngắn gọn: Chúng giúp bố mẹ đỡ lo lắng hơn. Bản thân tôi có biết rất ít những đứa trẻ lớn lên theo cách này. Đối với hầu hết bọn trẻ – có cả ba đứa con của tôi – phương pháp này có vẻ không phù hợp. Tình yêu thương và hình mẫu là hoàn toàn cần thiết. Nhưng như vậy chưa đủ! Thêm vào đó, phụ huynh cần phải có một loại “công cụ” dự phòng để mang ra dùng khi cần.

Chúng ta có thể làm gì để ngăn bọn trẻ làm những điều chúng không nên làm? Mặt khác, làm sao chúng ta có thể khiến chúng làm những thứ mà bản thân chúng không muốn làm – đó là những việc được coi là “rắc rối” mà chúng ta – các bậc cha mẹ – thấy quan trọng và cần thiết? Chúng ta có thể làm gì khi những lời lẽ tốt đẹp đều không đem lại hiệu quả? ➞ Bọn trẻ ngày càng trở nên rắc rối hơn?

Chúng ta thường xuyên nghe và đọc được những lời phàn nàn như: “Bọn trẻ ngày càng trở nên rắc rối hơn” hoặc: “Bọn trẻ ngày nay gần như không thể dạy dỗ được” – cùng với câu nói muôn thuở: “Trước đây mọi thứ đều tốt đẹp hơn”.

Đúng là khi còn bé chúng ta rất khác so với bọn trẻ bây giờ. Nhưng liệu thực sự hồi đó chúng ta có phải là những đứa trẻ ngoan ngoãn hơn không? Cha mẹ đã hành động rất khác so với chúng ta bây giờ – nhưng họ có thực sự là những bậc cha mẹ tốt hơn chúng ta?

Chúng ta cố gắng không phạm phải những sai lầm của cha mẹ mình trước đây. Chúng ta không đánh mắng bọn trẻ, không đưa ra những hình phạt nghiêm khắc, hăm dọa và không có thái độ gượng gạo mỗi khi phải nhắc đến vấn đề giới tính. Đa số chúng ta vẫn thường làm như vậy. Vì sợ bị phạt mà phải nghe lời – 30 năm trước thì điều này hoàn toàn bình thường. Nhưng còn bây giờ thì sao?

Chúng ta luôn bảo đảm con em mình được tự do hơn trong việc phát triển nhân cách, được hỗ trợ nhiều hơn để phát triển các kỹ năng, cũng như nhận được nhiều sự động viên hơn so với những gì chúng ta đã từng nhận được.

Không phải cái gì trước đây cũng tốt đẹp hơn

Ai trong số chúng ta từng có phòng riêng khi còn bé? Ai được phép chọn học một môn thể thao hay nhạc cụ nào đó mà mình thích? Ai từng được giáo dục giới tính một cách thoải mái, không gượng gạo? Ai từng được học giao tiếp tự tin với người lớn và đặt các câu hỏi nhạy cảm một cách vô tư, thoải mái?

Chúng ta – các bậc cha mẹ –có thể tự hào về những thành quả của mình cho đến hôm nay. Và chúng ta cũng hoàn toàn có thể tự hào về con em mình

Con cái chúng ta có thể làm tốt điều này và hãy nhớ rằng chúng không hề kém cỏi hơn những đứa trẻ ở bất cứ thế hệ nào trước đây. Ở mỗi thời kì, cha mẹ đều có những vấn đề nào đó đối với con cái. Nhiều người lớn hiện đang phải điều trị sức khỏe hay tâm lý một phần do phải chịu hậu quả của lối giáo dục khép kín trước đây.

Cha mẹ quá bận rộn

Giáo dục ngày càng trở nên cởi mở hơn. Nhiều bậc phụ huynh cũng trở nên nghiêm khắc với chính bản thân mình hơn. Họ không còn cảm thấy xấu hổ khi phải trình bày những vấn đề của mình với các bác sỹ nhi hay các nhà tâm lý học. Họ sẽ được trang bị đầy đủ thông tin cần thiết để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Vì vậy, họ có thể đến dự các buổi nói chuyện và đọc những cuốn sách dạy trẻ. Họ gặp gỡ các ông bố bà mẹ khác có con học cùng lớp với con mình hoặc ở nhà và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Những bà mẹ bận rộn phải thường xuyên điều hòa giữa việc nhà, con cái, công việc và phải hoàn thành vô số nhiệm vụ khác nhau như một nhà quản lý cấp cao thầm lặng.

Họ bỏ rất nhiều nỗ lực nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Người ta chỉ nhận biết được khi có điều gì đó không ổn. Và đó có thể là điều mà cha mẹ thường không làm được.

Sự thiếu kiên định dẫn đến nhân nhượng

Sự thiếu kiên định của cha mẹ ảnh hưởng đến thái độ của họ đối với con cái. Nỗi sợ làm sai một điều gì đó dẫn đến kết quả: Khi cha mẹ không biết rõ điều mình định làm và không dám đưa ra những hành động cương quyết, mạnh mẽ, thì bọn trẻ sẽ trở nên “quyền lực”. Bất kể đứa bé mới 6 tháng, lên 3 hay 10 tuổi, chúng đều cảm nhận được sự thiếu kiên định của cha mẹ. Bọn trẻ sẽ cảm thấy chúng có thể tự do làm những gì mình muốn.

Khi cha mẹ không ứng xử một cách chủ động và quả quyết, mọi sự sẽ trở thành thảm họa

Tuy vậy, điều gì sẽ xảy đến khi cha mẹ luôn chỉ thầm nghĩ trong đầu thế này: “Mong là nó sẽ hết gào khóc” luôn hay là: “Tôi sẽ làm những gì con tôi muốn, quan trọng là không phải chịu mấy trò hề của nó nữa?”

Đối với những trường hợp này, đứa trẻ sẽ càng đòi hỏi nhiều hơn và ngược lại, các bậc cha mẹ sẽ trở nên mềm lòng và dễ tính hơn. Bố hay mẹ sẽ không phải là người đề ra thời gian biểu nữa, mà chính là bọn trẻ. Nhu cầu của cha mẹ sẽ bị gạt sang một bên. Sự nhân nhượng này chẳng những không đem lại bình yên và hòa thuận, trái lại nó còn có thể gây ra nhiều rắc rối hơn.

Thỉnh thoảng cha mẹ cũng nên cho con cái được quyền quyết định trong một lĩnh vực nào đó. Việc cho trẻ đi ngủ là một ví dụ điển hình. Trong nhiều trường hợp, trẻ vẫn có thể thấy khó chịu hay nhõng nhẽo với những điều nhỏ nhặt, ví dụ trong lúc mặc quần áo, ăn uống, dọn dẹp, trong mối quan hệ của trẻ với anh chị em trong nhà. “Con tôi hay làm những gì cháu muốn” hay là: “Tôi có thể làm những gì tôi muốn, con tôi không bao giờ nghe lời”. Đó là những lời phàn nàn mà chúng ta luôn được nghe từ các bậc phụ huynh đang bực bội. Đôi lúc, hành vi ứng xử sai lệch của trẻ có thể xuất phát từ những vấn đề thường ngày như trên, gây ra nhiều rắc rối cho trẻ khi đến trường.

Những ông bố bà mẹ này hết sức quan tâm đến quá trình phát triển của trẻ. Họ biết rằng con mình cần có những giới hạn và không thể “tự lớn lên” được. Họ quan tâm và yêu thương con cái, nhưng đôi khi họ cũng mất phương hướng: “Tôi đã cố hết sức rồi, giờ tôi còn có thể làm gì được nữa?”

Các bạn có nhận ra mình trong đó? Vậy thì cuốn sách này của tôi được viết để dành cho các bạn. ➞ Những đứa trẻ rắc rối: Ví dụ cụ thể về trẻ từ 8 tháng đến 8 tuổi.

Paul hồi đó được 8 tháng tuổi. Bố mẹ cháu đến phòng khám của tôi xin được tư vấn. “Nó là một đứa bé hư”, bà mẹ thở dài. “Nó khiến chúng tôi mệt mỏi. Thật chẳng sung sướng gì! Từ ngày đầu tiên Paul đã kêu khóc ầm ĩ liên hồi. Vậy nên chúng tôi chỉ còn cách bế nó suốt ngày.

Vẫn còn may là ban đêm nó cũng ngủ được một chút. Chúng tôi nghĩ, có khi nó khóc dạ đề. Nhưng sau ba tháng tình hình vẫn không khá hơn. Ngược lại, Paul còn gào và khóc nhiều hơn. Thậm chí, tôi còn đưa cháu đến viện khám cả tuần liền nhưng vẫn không rõ nguyên nhân tại sao. Tình hình của Paul ngày càng tệ hơn. Nó khóc ngay khi tôi vừa bế lên. Cứ nín được vài phút nó lại khóc. Tôi vừa phải rửa bát, lau dọn bếp, vừa phải trông nó và sau 15 phút thì tôi chỉ kịp rửa sạch được mỗi một cái tách. Thậm chí vào toa-lét tôi cũng phải mang nó theo. Nó chẳng thể ở một mình dù chỉ một phút. Giờ tôi biết phải làm gì đây?”