Phần 11. Sử dụng kỹ thuật “đĩa xước”

Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn

Như tôi đã nói ở phần trước, đưa ra quan điểm của mình một cách rõ ràng rất hữu ích. Nhưng thường thì như thế vẫn chưa đủ. Điều gì sẽ xảy ra nếu như khi bạn đưa ra chỉ dẫn với giọng bình tĩnh, chắc chắn và cử chỉ thuyết phục mà con bạn vẫn chẳng có phản ứng gì? Hoặc con bắt đầu tranh luận – khi con đã biết về những luận điểm của bạn? Sẽ ra sao nếu những thông điệp – cái tôi không có tác dụng? Hoặc khi bạn chịu áp lực về thời gian? Lúc đó có diễn ra xung đột không? Một quy định quan trọng có bị phá vỡ không? Một cuộc tranh luận không mang lại điều gì, và với một chỉ dẫn rõ ràng, bạn có thể không tiến thêm bước nào. Vì vậy, bây giờ bạn sẽ chuyển sang bước tiếp theo – nói công khai quan điểm của mình.

Khi con bắt đầu tranh luận, bạn hãy áp dụng kỹ thuật “đĩa xước”: Hãy lặp lại nhiều lần chính xác những điều con cần làm. Những lời cãi của chúng hãy lờ đi.

Kỹ thuật này hoạt động như thế nào?

Hiếm có ai sở hữu một cái máy hát cổ vẫn còn chạy tốt với một đầu đọc kim cương chạy trên những đường rãnh của đĩa hát và chuyển những vạch hình sóng trên rãnh thành âm thanh. Nếu như đĩa hát bị rung, đầu đọc kim cương ấy sẽ bị nhấc lên. Cái đĩa sẽ tiếp tục quay và một đoạn giai điệu hay một câu sẽ bị lặp lại cho tới khi đầu đọc kim cương đương đặt trở lại đĩa. Đây là một kỹ thuật rất đơn giản.

Bạn cũng có thể áp dụng kỹ thuật này khi nói ra quan điểm của mình. Bạn hãy lặp lại chính xác những điều bạn muốn ở con mà không cần hiểu cho những lời cãi lại của con. Thường thì con sẽ tự hiểu điều này hoạt động tốt như thế nào.

Với kỹ thuật “đĩa xước”, chúng ta đánh con bằng chính vũ khí của chúng

Cuộc nói chuyện giữa Annika 4 tuổi và mẹ sau đây đã chỉ ra cách con cái chúng ta áp dụng kỹ thuật “đĩa xước như thế nào”.

Đó là một ngày hè nóng nực. Annika đi mua sắm cùng mẹ trong làng.

Annika: “Mẹ ơi, mẹ mua cho con kem nhé?”

Mẹ: “Nghe này, sáng nay con đã ăn một cây kem rồi.”

Annika: “Nhưng con muốn ăn kem.”

Mẹ: “Ăn nhiều kem quá không tốt cho sức khỏe đâu, con sẽ bị lạnh bụng đấy.”

Annika: “Mẹ, con muốn ăn kem ngay bây giờ.”

Mẹ: “Nhưng bây giờ muộn rồi, chúng ta phải về nhà ngay.”

Annika: “Thôi mà, mẹ…”

Mẹ: “Được, chỉ lần này thôi nhé…”

Annika đã làm điều này như thế nào? Cô bé lờ đi luận điểm của người mẹ. Thay vì tranh luận với mẹ là ăn bao nhiêu kem thì tốt cho sức khỏe và ăn bao nhiêu thì bị lạnh bụng, cô bé lặp đi lặp lại chính xác và khẩn cấp mong muốn của mình – như một chiếc đĩa hát khi bị rung.

Ngược lại, người mẹ lại làm theo những điều phần lớn người lớn chúng ta thường mắc phải trong những hoàn cảnh như thế này: đưa ra luận điểm. Cô tranh luận. Cô muốn con sẽ nhận ra được điều gì đó. Điều này đúng khi cô muốn điều gì đó từ phía con. Một chỉ dẫn rõ ràng rất dễ dẫn đến một cuộc tranh luận kéo dài. Cuối cùng, có lẽ người mẹ đã quên điều cô thực sự muốn. Vì thế, trẻ con thích những cuộc tranh luận như thế này. Ngoài ra, những cuộc tranh luận này là một cơ hội đáng hoan nghênh để đảm bảo có thể nhận được sự quan tâm của mẹ.

Ví dụ:

Mẹ (quỳ xuống, nhìn vào mắt Annika, vuốt nhẹ vai cô bé và cho cô bé sự chỉ dẫn): “Annika, bây giờ con dọn những mảnh ghép hình này vào thùng đồ chơi nhé!”

Annika: “Tại sao con lại phải làm thế?”

Mẹ: “Vì con đã đổ chúng ra.”

Annika: “Thật bực mình! Lúc nào con cũng phải dọn dẹp! Suốt ngày phải dọn dẹp!”

Mẹ: “Con không phải dọn dẹp suốt cả ngày. Nhưng con phải học cách dọn những gì mình bày bừa ra.”

Annika: “Timmi (2 tuổi) chẳng bao giờ phải dọn cả! Thật là bực mình! Lúc nào mẹ cũng dọn thay cho nó! Mẹ chẳng bao giờ giúp con cả!”

Mẹ: “Timmi nhỏ hơn con nhiều. Em ấy không thể dọn một mình được.”

Annika: “Nó có thể làm tốt ấy chứ! Mẹ yêu thằng Timmi hơn con!”

Mẹ: “Con thôi ngay đi! Con biết rõ là không phải như thế mà!”

Cuộc tranh luận này diễn biến ra sao tùy bạn hình dung. Mẹ của Annika đã giữ được bình tĩnh. Cô đã không mắc lỗi nào trong số rất nhiều lỗi được nêu ra trong chương hai. Nhưng khi cuộc tranh luận tiếp tục kéo dài, cô ấy có thể dễ dàng mắc phải chúng. Không thể chắc chắn liệu rốt cuộc Annika có dọn không. Nói cách khác, trong trường hợp này, tranh luận là không cần thiết. Annika đã đánh lạc hướng chỉ dẫn của mẹ một cách thành công.

Hãy cùng xem một ví dụ khác. Cuộc nói chuyện sau đây giữa cô con gái 3 tuổi Lisa và mẹ diễn ra y hệt hoặc tương tự nhau hầu như vào mỗi buổi sáng:

Mẹ: “Lisa, mặc quần áo của con vào ngay!” (Chỉ dẫn rõ ràng)

Lisa: “Nhưng con không muốn.”

Mẹ: “Thôi nào, ngoan. Khi nào con thay đồ xong, chúng ta sẽ cùng nhau làm thứ gì đó thú vị nhé.”

Lisa: “Cái gì thế ạ?”

Mẹ: “Chúng ta có thể cùng nhau chơi trò ô chữ.”

Lisa: “Nhưng con không thích. Mấy trò ô chữ chán ngắt. Con muốn xem ti-vi.”

Mẹ: “Xem ti-vi vào sáng sớm? Không được!”

Lisa (khóc): “Con chẳng bao giờ được xem ti-vi cả! Tất cả trẻ con đều được xem ti-vi! Chỉ có con là không được!”

Mẹ: “Không phải! Những đứa trẻ khác mà mẹ biết cũng không được xem ti-vi vào buổi sáng.”

Lisa khóc vì một chuyện khác, nhưng cô bé cũng không mặc quần áo. Thường thì cuối cùng mẹ cũng ôm cô bé vào lòng, dỗ dành và sau đó giúp cô bé mặc quần áo dù Lisa có thể tự mình làm điều này. Ở đây, người mẹ cũng sa vào một cuộc tranh luận với kết thúc để ngỏ. Lần này, Lisa mở ra một sân khấu phụ với chủ đề xem ti-vi. Nhưng cô bé cũng có thể đưa cả quần áo mà mẹ cô đã đặt sẵn ra ngoài vào trong cuộc tranh luận – từ cái tất đến cái dây buộc tóc. Một thành tích đáng ngạc nhiên đối với một cô bé 3 tuổi, thậm chí còn chưa đến tuổi học mẫu giáo.

Mọi chuyện diễn ra theo cách khác

Làm thế nào mà mẹ của Annika và Lisa có thể tránh được những cuộc tranh luận như thế này? “Kỹ thuật đĩa xước” đã đánh lạc hướng một chỉ dẫn rõ ràng và đẩy nó vào một chủ đề khác nhanh đến khó tin. Annika đã cho chúng ta biết kỹ thuật này khi cô bé dùng nó để đạt được mục đích ăn kem của mình. Lần này, mẹ của Annika áp dụng kỹ thuật “đĩa xước”:

Mẹ (quỳ xuống, nhìn vào mắt Annika, xoa nhẹ vai cô bé và đưa ra lời chỉ dẫn rõ ràng): “Annika, con thu những miếng xếp hình này vào thùng đồ chơi nhé!”

Annika: “Tại sao lại thế ạ?”

Mẹ: “Con phải làm như thế: Con nhặt những miếng xếp hình và cho chúng vào thùng đồ chơi nhé!”

Annika: “Nhưng con thấy rất bực mình! Lúc nào con cũng phải dọn! Cả ngày phải dọn!”

Mẹ: “Nào, Annika, con dọn những miếng xếp hình vào thùng đồ chơi đi!”

Annika (bắt đầu dọn và nhỏ giọng phản đối): “Lúc nào cũng là con…”

Cuộc nói chuyện giữa Lisa và mẹ cũng diễn ra khác khi người mẹ vận dụng kỹ thuật “đĩa xước”:

Mẹ: “Lisa, mặc quần áo vào đi con!” (chỉ dẫn rõ ràng) Lisa: “Nhưng con không muốn!”

Mẹ: “Đây, Lisa. Đầu tiên hãy mặc áo của con vào.”

Lisa: “Nhưng con muốn chơi với mẹ!”

Mẹ: “Lisa, bây giờ con mặc áo của con vào.”

Lisa (giận dỗi nhưng vẫn mặc áo vào): “Chán thật…”

Bạn không tin là việc này đơn giản như vậy phải không? Hãy thử mà xem! Nhiều bậc phụ huynh khẳng định rằng họ đã thường xuyên tham gia vào những cuộc tranh luận ít lời lãi. Khi sử dụng phương pháp “đĩa xước”, họ đã sửng sốt về thành công của mình. “Chiếc đĩa xước” không bao giờ phải chạy đi chạy lại mãi. Bạn chỉ cần lặp lại chỉ dẫn rõ ràng chính xác ba lần – không hơn!

Ở Chương 1, tôi đã kể cho các bạn nghe những câu chuyện về cô bé Vicky 8 tuổi. Cô bé thường xuyên kêu đau bụng khi ở trường và sáng nào cũng vào nhà vệ sinh đến 10 lần.

Mẹ của Vicky đã tranh luận với con suốt hai tuần, dỗ dành cô bé và cuối cùng cũng để cô bé nghỉ học ở nhà ba lần. Nhưng “nỗi sợ hãi” bất chợt của Vicky không có điểm dừng. Suốt cả ngày cô bé rất thoải mái và vui vẻ. Vì thế, mẹ Vicky quyết định bảo vệ Vicky bằng một cách khác. Dù Vicky có vòi vĩnh và tranh cãi hàng sáng, mẹ cô bé vẫn phản ứng theo một cách giống nhau. Cô cúi người xuống ngang tầm Vicky, vuốt nhẹ vai cô bé và nói một cách đầy yêu thương và quả quyết: “Bây giờ con sẽ tới trường. Mẹ rất tiếc vì điều này rất khó khăn với con.”

Nếu Vicky vẫn muốn đi vệ sinh vào phút cuối, mẹ cô bé sẽ nói: “Bây giờ con phải đi ngay. Việc đi vệ sinh phải tạm thời hoãn lại.” Cô không nói gì thêm. Thỉnh thoảng, cô lại lặp lại lời này (kỹ thuật “đĩa xước”). Người mẹ rất ngạc nhiên khi “cơn đau bụng” của Vicky đã được cải thiện nhanh chóng như thế nào. Một tuần sau, Vicky tới trường như trước mà không có vấn đề gì xảy ra.

Thời gian để tranh luận

Để tránh hiểu lầm, tôi muốn nói rõ rằng: tranh luận giữa bố mẹ và con cái rất quan trọng và hoàn toàn có thể diễn ra nhiều lần trong ngày. Những cuộc tranh luận trong bữa ăn, vào buổi tối, trong thời gian hàng ngày bạn ở chung với con, trong nửa tiếng đồng hồ tĩnh lặng – trong những tình huống như thế này, những cuộc tranh luận rất có ý nghĩa và có thể dẫn đến những kết quả tốt.

Bạn có thời gian để lắng nghe, có thể nói rõ với con những nhu cầu của mình và đưa ra luận điểm. Hãy cùng con tranh luận, tôi không có ý kiến gì về những cuộc tranh luận như thế này. Trong thời gian nửa tiếng tĩnh lặng, bạn có thể giải thích những gì bạn đã bỏ qua khi áp dụng kỹ thuật “đĩa xước”.