Phần 8. Khi phụ huynh có phản ứng thù địch

Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn

NHỮNG PHẢN ỨNG THÙ ĐỊCH gửi tới con cái chúng ta một thông điệp hoàn toàn rõ ràng. Đó là: “Bố/mẹ không thích con!”. Chúng ta thực sự không muốn gửi đi thông điệp này. Chúng ta cũng không cố ý làm điều đó mà nó vô tình xảy đến với chúng ta. Phần lớn chúng ta đã từng bực tức tới nỗi không thể kiểm soát hành vi của mình. Tuy nhiên chúng ta đều biết một điều rõ ràng rằng bằng những lời trách móc, dọa nạt, hình phạt nặng nề và bạo lực, chúng ta không thể tác động tích cực lên con cái mà chỉ nêu gương xấu mà thôi. Chúng ta góp phần khiến mối quan hệ với con cái trở nên nặng nề. ➞ Trách móc và mắng mỏ

Hãy tưởng tượng bạn gán cho con những tính cách tồi tệ: “Con ngốc quá! Con làm gì cũng hỏng hết!”, “Con là kẻ nói dối tồi tệ!”. Hoặc bạn còn khái quát thành: “Con đúng là không thể chịu đựng nổi!”, “Bố/mẹ không thể chịu đựng con thêm được nữa!”, “Con khiến bố/mẹ phát ốm!”, “Bố/ mẹ đau tim vì con mất!”

Với những lời trách móc như thế này, sự chỉ trích đúng đắn của bạn không hướng về phía những hành động của con. Ngược lại, bạn sẽ tạo cho chúng cảm giác rằng bạn chối bỏ và coi thường chúng.

Vậy những lời này khơi gợi điều gì trong con cái chúng ta? Tất nhiên là chúng sẽ không có ý định cải thiện cách cư xử. Thay vào đó, những nỗ lực để giành sự chú ý sẽ gia tăng. Ngoài ra, con của chúng ta sẽ xuất hiện những cảm giác tiêu cực: cảm giác tội lỗi nặng nề và mong muốn trả thù – tùy theo tính khí. Những lời mắng mỏ tác động lên sự tự tin của con như một cái búa tạ. Chúng sẽ hủy diệt sự tự tin của con nhanh chóng và triệt để. Tác dụng của chúng còn mạnh hơn khi bạn quát mắng con. Tôi tin rằng quát mắng không thể cải thiện cách cư xử của con.

Một số đứa trẻ có thể sẽ trở nên nhút nhát hoặc sợ sệt vì bị bố mẹ mắng. Với một số trẻ khác, đây lại là động lực để giành lại quyền lực hàng ngày: “Con người nhỏ bé như tôi có thể khiến ông bố mạnh mẽ, vĩ đại nổi điên lên. Ngoài tôi ra không ai làm được điều này! Ông ấy hoàn toàn đánh mất tự chủ rồi! Khi tôi làm được điều này thì tôi là gì trong mắt một người bố tuyệt vời đây?” Một số lại “điếc” trước những lời trách mắng của bố mẹ – chúng đang tự bảo vệ mình bằng cách lơ đãng và không nghe nữa.

Thực ra bản thân chúng ta biết rõ tại sao mình lại mắng mỏ con cái. Chúng ta làm thế để xả nỗi tức giận, cơn thịnh nộ của chúng ta ra ngoài – vào bất cứ đâu. Chúng ta trút giận và người trả giá là con cái chúng ta. Khi thừa nhận điều này, chúng ta đã tiến thêm một bước nữa.

Trách móc và mắng mỏ làm mất hẳn sự tự tin của con

Đe dọa và những hình phạt

Một cách phản ứng thù địch khác là: bạn tuyên bố nếu con không muốn nghe lời thì sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng: “Nếu con không dọn dẹp ngay bây giờ thì con không được rời phòng trong một tuần!”, “Nếu con còn dọa em một lần nữa thì con sẽ bị đánh đòn!”, “Nếu rốt cuộc con vẫn không cố gắng thì vào trường nội trú mà học!”.

Hoặc bạn đưa ra những hậu quả vừa tồi tệ vừa không thực tế: “Nếu con không ngừng những trò vô bổ lại thì con sẽ không bao giờ được đi nghỉ cùng bố mẹ nữa!”, “Nếu con còn tiếp tục cãi nhau với bạn, con sẽ không được phép mời ai đến nhà chơi nữa!”.

Nếu những lời dọa dẫm không nghiêm túc mà chỉ được nói ra một cách thiếu suy nghĩ sẽ có tác dụng như những lời đe dọa nhưng lại không thực thi hình phạt: Con bạn sẽ không nghe lời bạn nữa. Tuy nhiên chúng vẫn nghe thấy những lời đã được hạ giọng một cách thù địch của bạn. Con sẽ cảm thấy bị chối bỏ. Những cảm xúc tiêu cực sẽ xuất hiện.

Tất nhiên không phải những hậu quả mà bạn tuyên bố đều sẽ trở thành hiện thực. Những lời này có thể làm con sợ và nhụt chí, thậm chí khiến con có mong muốn trả thù. Mục đích của chúng là khiến con bạn “thu mình lại”, để chúng ta – những người lớn – trong mắt con sẽ trở nên to lớn hơn, quyền năng hơn.

Chúng ta có cần thiết phải làm như thế không? Những hình phạt phải chăng là biểu hiện của sự bất lực khi chúng ta không nghĩ ra cách giải quyết nào hiệu quả hơn? Liệu bản thân chúng ta có cảm thấy dễ chịu khi phạt con cái như vậy không?

Những hình phạt nghiêm khắc có thể tác động theo hai cách. Thứ nhất, chúng có thể tác động tới con chúng ta. Con muốn tránh những hình phạt tiếp theo và thay đổi cách cư xử của mình. Tại sao con lại làm vậy? Vì sợ chứ không phải vì nhận thức được sai lầm của mình. Khả năng thứ hai: Con chúng ta không dễ gì “thu mình lại”. Con hiểu luật chơi, nhận ra sự bất lực của bạn và cảm thấy tự cao. Con có vẻ thờ ơ với những hình phạt của bạn nhưng thực chất lại tận dụng những thời cơ này để chứng tỏ bản thân mình trong cuộc chiến quyền lực. Con đang rắp tâm trả thù.

Đe dọa và những hình phạt nặng nề sẽ khiến con sợ hãi và thậm chí có ý định trả thù ➞ Bạo lực

Bạn đã bao giờ “ra tay” chưa? Bạn đã bao giờ in hằn dấu tay của mình lên má hay trên người con bạn chưa? Bạn đã bao giờ túm lấy con bạn và lắc mạnh chưa? Bạn đã bao giờ thực sự đánh đập con chưa? Sau đó bạn cảm thấy thế nào?

Ngày nay, đôi lúc người ta vẫn còn nghe được những câu như: “Một trận đòn không làm tổn hại ai!”, “Bố/mẹ cũng trưởng thành và nên người nhờ những trận đòn!”, “Ai không muốn nghe, sẽ phải cảm nhận!”.

Tôi tin và hi vọng rằng phần lớn độc giả cuốn sách này sẽ không sử dụng đòn roi như một công cụ giáo dục. Niềm tin này không có nghĩa là nhiều người đã từng một hay nhiều lần không kiềm chế được hành vi của mình và đánh con. Hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng một lần – cố tình hoặc vô ý – làm đau con của mình.

Chúng ta có thể hình dung bạo lực sẽ có tác động lên con chúng ta như thế nào. Hãy hình dung chính bản thân mình bị đánh bởi một người mà bạn yêu quý, người có cơ thể vượt trội hơn bạn. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Con bạn cũng có cảm giác giống như vậy: tổn tương sâu sắc và cảm thấy bẽ mặt. Giống như khi bị phạt nặng, trẻ sẽ phản ứng một cách sợ sệt hoặc thờ ơ với những trận đòn. Những đứa trẻ thường xuyên bị đánh sẽ dần trở nên vô cảm với sự đau đớn. Giống như sau khi bị bố mẹ cư xử thù địch, những đứa trẻ sau khi bị đánh cũng thường xuyên nghĩ tới chuyện trả thù. Đừng quên về hiệu ứng bắt chước: Con cái làm theo những gì chúng học được từ bố mẹ.

Mỗi trận đòn mà con phải hứng chịu sẽ làm quan hệ giữa bố mẹ và con cái trở nên xấu đi. Niềm tin và sự khẳng định rằng mình được yêu thương, cảm giác an toàn – tất cả sẽ như thế nào khi phải chứng kiến người lớn ra tay đầy hung hãn và dường như cố tình làm tăng thêm nỗi đau của con?

Và một khi điều này đã xảy ra, nếu bạn từng thực sự ra tay với con? Đôi lúc tôi cũng làm điều đó. Ngay lập tức hoặc sau đó một thời gian, tôi sẽ xin con mình tha thứ. Tôi thừa nhận: “Mẹ đã quá tức giận đến nỗi mắc phải một sai lầm.” Tôi hứa với con sẽ cố gắng hết sức để điều này không xảy ra một lần nữa.

Tuy nhiên sau đó tôi phải cho phép con giận tôi trong một thời gian thay vì tha thứ và quên ngay lập tức chuyện đã xảy ra. Nếu tôi lại mắc phải một trong những phản ứng thù địch khác, tôi cũng sẽ cư xử giống như vậy. Thường thì những lỗi lầm như thế này không nên xảy ra, nếu không lời xin lỗi sẽ không còn đáng tin nữa.

Con bạn đã từng nhận được “một phát vào tay” hay bị “tét vào mông”? Những “giải pháp nuôi dạy con cái” này không khi nào tuyệt chủng được. Tôi coi chúng là không phù hợp và cần phải xem xét lại. Quá trình từ một “cái đánh” tới một trận đòn rất dễ diễn ra.

Đánh con sẽ phản tác dụng và đó không phải là phương pháp giáo dục ➞ Cảm giác tội lỗi không giúp ích gì cho bạn

Tất cả những phản ứng thù địch của chúng ta – dọa dẫm và mắng mỏ, phạt nặng và bạo lực – có điểm chung là chúng thể hiện của sự bất lực của chúng ta. Chúng là “sự trả thù” mà chúng ta dành cho con cái vì tất cả nỗ lực của chúng ta cho tới thời điểm này dường như là vô vọng. Và chúng giúp chúng ta trút được sự bực mình, nỗi tức giận khi chúng ta “tức nước vỡ bờ”. Là mẹ của ba đứa con, tôi rõ ràng cũng có suy nghĩ như vậy.

Tất cả các bậc phụ huynh đều mắc những sai lầm nghiêm trọng vì họ có những điểm yếu rất con người. Những phản ứng thù địch đều khiến phần lớn phụ huynh có cảm giác tội lỗi và cắn rứt lương tâm. Rất tiếc là điều này hoàn toàn không giúp ích được gì. Chỉ có một thứ giúp ích được cho bạn đó là phương pháp nuôi dạy con cái giúp chúng ta có được một cái đầu tỉnh táo và bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ đánh mất sự tự chủ. § TỔNG KẾT ⇒ Phụ huynh có phản ứng không rõ ràng, chắc chắn

Trong tương lai, hãy dừng:

Quở trách

Đặt câu hỏi tại sao

Thỉnh cầu và cầu xin

Đưa ra yêu cầu nhưng không kèm theo hình phạt nếu trẻ không vâng lời

Tuyên bố “Nếu–thì” mang tính đe dọa nhưng lại không thực thi hình phạt

Tảng lờ

Thay vì truyền tải đến con các quy định, chúng lại khiến con bạn không nghe lời và không coi trọng bạn. Qua đó, cuộc chiến giành sự quan tâm sẽ ngay lập tức được nhen nhóm. ⇒ Những phản ứng thù địch sẽ khiến quan hệ giữa bố mẹ và con cái trở nên nặng nề