Phần 15. Khen thưởng

Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn

Ghi nhớ quy định và những hệ quả tích cực là một hình thức của động viên. Ngay cả khen thưởng cũng là một kiểu động viên theo khẩu hiệu: “Hoàn thành việc tốt – Thêm thời gian chơi”. Con bạn có thể hiện những mặt tốt hoặc cố gắng tuân theo quy định? Bạn luôn phải chú ý tới điều đó. Bé cần sự ghi nhận và động viên của bạn. Một phần thưởng có thể thể hiện được sự ghi nhận của bạn với nỗ lực của bé. Phần thưởng có thể là thêm thời gian để bé sử dụng như: kể thêm truyện trước khi đi ngủ hoặc những trò chơi chung. Cũng có thể là chương trình ti-vi đặc biệt, thời gian thức lâu hơn, món tráng miệng ưa thích hoặc một món quà nhỏ.

Bạn cũng có thể nói trước về phần quà này như: “Nếu chiều nay con để mẹ làm việc yên tĩnh, mẹ sẽ mua cho con một chiếc ô tô đồ chơi”. Với những món quà vật chất có thể gây ra những hành động trái ngược. Con bạn có thể có ý tưởng về việc sẽ đổi chác với bạn và hỏi bạn rằng: “Con sẽ được gì nếu…?” Những hoạt động chung hoặc thêm thời gian để chơi là những lựa chọn tốt để bạn có thể nói trước và động viên bé. ➞ Quy định – Câu hỏi – Hành động

Giờ thì bạn đã trải nghiệm qua việc làm thế nào để có thể nói chuyện được với con cái để chúng nghe bạn. Bạn đã biết những hành động nào hiệu quả nếu lời nói là chưa đủ, và làm sao để bạn động viên con. Vẫn có vài trẻ em cứng đầu không chịu làm theo quy định. Chúng tỏ ra – như một người mẹ đã từng kể lại – “khó dạy bảo”. Nguy cơ mất cảnh giác bất cứ lúc nào hoặc mắc phải những lỗi mà cha mẹ thường mắc phải rất lớn. Bước cuối cùng là sự nhẫn nhịn công nhận rằng “Điều này có thể có hiệu quả với những đứa trẻ khác chứ không phải với con tôi.”

Đừng bỏ cuộc quá dễ dàng như vậy. Trong phần này, bạn có thể học được kỹ thuật rất hiệu quả tổng hợp của tất cả các phương pháp đã nêu từ trước đến giờ. Bạn hãy mang con mình tới, cùng suy nghĩ và tự nhận lấy trách nhiệm của mình. Với điều kiện là con bạn đã nói tốt và ít nhất khoảng ba đến 4 tuổi.

Quy định

Quy định nào là quan trọng nhất với bạn? Những quy định nào khiến con bạn bị ảnh hưởng nhiều nhất và thường xuyên nhất? Những hành vi nào của con bạn gây hậu quả đặc biệt xấu tới mối quan hệ của bạn hoặc đến công việc hàng ngày? Hãy kể tên các quy định ra. Viết lên một mảnh giấy hoặc vẽ các biểu tượng trên tấm bìa và treo nó ở chỗ nào dễ nhìn thấy. Ví dụ như:

Henri (5 tuổi) không muốn được đón ở trường mẫu giáo. Bé mắng chửi mẹ và bắt đầu gào thét khi mẹ đưa bé về.

Mẹ bé có thể thay đổi việc này với kỹ thuật “Quy định – Yêu cầu – Hành động”. Bà giải thích với Henri quy định: “Khi mẹ đón con, con phải tới nhanh chóng và thoải mái.” Bà vẽ một bức tranh: Henri và mẹ tay trong tay với khuôn mặt mỉm cười. Bà treo tranh ở phòng bếp.

Bạn có thể thấy trong trang này và các trang tiếp theo vài ví dụ với những bức tranh tương tự. Bạn phải quyết định chắc chắn điều gì sẽ xảy ra nếu con bạn không tuân theo quy định: Phương pháp “ngồi yên trên ghế” hay phương pháp “nghỉ cách ly” sẽ có tác dụng hơn? Giải thích cho con bạn về phương pháp logic của mình.

Mẹ Henri thống nhất phương pháp của mình với cô nuôi dạy trẻ: Khi được đón, nếu Henri bắt đầu la hét hoặc chửi mắng mẹ, mẹ bé sẽ trở lại ô tô ngay lập tức. Henri phải ngồi ở lớp học trên một cái ghế chờ trong năm phút đến khi mẹ bé quay trở lại và cho bé một cơ hội khác. Mẹ bé giải thích chính xác cho bé về những việc này.

Với một bức tranh đơn giản, bạn có thể làm con hiểu rõ về quy định mà bé phải học. Bức tranh này có nghĩa: “Khi mẹ tới đón con, con phải tới nhanh và thoải mái.”

Nằm thoải mái trên giường của mình vào buổi tối.

Buổi sáng tự vệ sinh cá nhân và mặc quần áo.

Cư xử tốt với anh chị em.

Nói chuyện thân thiện.

Câu hỏi

Trẻ phải được biết rõ các quy định và hậu quả. Nếu lần sau trẻ vi phạm quy định, bạn hãy tiến hành như sau: Đặt cho trẻ bốn câu hỏi liên tiếp nhau. Với câu hỏi đầu tiên, bạn sẽ khiến cho trẻ chú ý rằng trẻ vừa mới vi phạm quy định của bạn: “Có chuyện gì xảy ra thế này?” hoặc “Quy định là gì?”

Rất có thể trẻ sẽ không trả lời hoặc đưa ra một câu trả lời gắt gỏng. Bạn hãy áp dụng “kỹ thuật đĩa xước”: Hãy hỏi lại và hỏi hai hoặc ba lần – nhưng không nhiều hơn nữa! Nếu trẻ trả lời, bạn tiếp tục đưa ra câu hỏi tiếp theo.

Và nếu lần thứ ba trẻ vẫn không trả lời thì sao? Lúc đó bạn hãy tự đưa ra câu trả lời và chuyển sang câu hỏi tiếp theo. “Chuyện gì sắp xảy ra?” hoặc: “Mẹ phải làm gì bây giờ?”

Đừng đòi hỏi một câu trả lời. Hãy áp dụng “kỹ thuật đĩa xước”, hãy hỏi trẻ đến lần thứ ba. Một đứa trẻ giận dữ đang bị mắc kẹt trong ý nghĩ “Con không muốn!”. Trẻ không suy nghĩ về tương lai. Với câu hỏi này, bạn sẽ giúp trẻ nhớ đến những hậu quả và suy nghĩ về tương lai. Nếu trẻ đưa ra một câu trả lời hợp lý, bạn hãy đi đến câu hỏi tiếp theo.

Nếu trẻ không trả lời thì bạn hãy tự mình làm điều đó. Cho trẻ biết hậu quả trực tiếp. Sau đó, câu hỏi tiếp theo là: “Con có lựa chọn thế này: Con có muốn điều đó xảy ra” hoặc: “Con có muốn điều đó không?”

Một lần nữa, bạn hãy hỏi đến ba lần. Nếu trẻ không trả lời hoặc đưa ra một câu trả lời gắt gỏng, bạn phải ngay lập tức hành động và để hậu quả đã nêu diễn ra.

Hầu hết trẻ em không muốn chịu hậu quả đã nêu. Với câu hỏi này, trẻ sẽ được nhắc nhở rằng trẻ vẫn có thể lựa chọn một giải pháp khác. Nếu trẻ trả lời: “Không, con không muốn”, thì trẻ đang đi theo chiều hướng tốt. Bạn có thể hỏi tiếp: “Giờ con có thể làm gì khác?” hoặc: “Con có thể làm gì bây giờ?”

Nếu trẻ trả lời thì trẻ đã tìm thấy giải pháp. Điều này giúp trẻ hành động dễ dàng hơn. Nếu trẻ làm được thì trẻ đã chiến thắng – và bạn cũng vậy. Hãy cho trẻ thấy niềm vui sướng của bạn!

Hành động

Nếu trẻ không trả lời hoặc tiếp tục vi phạm quy định dù đã có một câu trả lời tốt, bạn phải hành động ngay và để hậu quả đã thông báo xảy ra.

Henri (xem trang 181) ban đầu không thể trả lời hai câu hỏi đầu tiên. Thường là người mẹ trả lời. Chỉ khi được hỏi: “Con có muốn mẹ quay lại xe không” cậu trả lời: “Không, mẹ, mẹ ở lại đây đi!”

Trong những ngày đầu tiên, mẹ Henri dù vậy vẫn phải rời khỏi trường mẫu giáo, vì Henri không thể ngừng khóc. Nhưng sau một thời gian, cậu gần như bình tĩnh lại, chậm nhất là ở câu hỏi cuối cùng. Cậu được khen ngợi và đi học về với mẹ một cách bình yên. Sau một tuần, lần đầu tiên Henri có thể đi học mà không khóc.