Phần 16. Hành động thay cho lời nói

Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn

Liệu bạn sử dụng một kết quả logic trực tiếp, một thời gian tạm dừng hoặc kỹ thuật quy định – câu hỏi – hành động, bạn hãy lưu ý các lời khuyên sau đây:

Áp dụng hậu quả của mình mỗi khi con bạn vi phạm quy định. Chỉ khi đó, trẻ mới có thể học hỏi từ điều đó.

Chỉ nói chuyện khi cần thiết. Phải thật bình tĩnh.

Nhấn mạnh rằng con bạn có sự lựa chọn: có thể tuân thủ quy định, hoặc phải chấp nhận hậu quả.

Hãy cứng rắn. Đừng rút lại lời cảnh báo hậu quả đã một lần nói ra.

Chọn một hậu quả khác nếu hậu quả bạn xác định không có tác dụng.

Cho con bạn thấy rằng bạn luôn ở bên trẻ. Ngay khi một hậu quả xảy ra, tất cả sẽ được tha thứ và bỏ qua.

Bước ba:

Thỏa thuận hợp đồng

MỘT SỐ CHA MẸ gặp khó khăn trong việc biến những ý định tốt thành hành động. Nó vẫn ở dạng ý định tốt, nhưng không có hành động theo đó. Nếu hậu quả không có tác dụng thì bạn nên ngồi lại bên bàn làm việc và nghĩ kế hoạch. Liệu bạn có thể đàm phán thỏa thuận với trẻ hoặc bạn – với vai trò cha mẹ một mình lên kế hoạch hành động cụ thể, tùy thuộc vào độ tuổi của con bạn. ➞ Một kế hoạch tự kiểm soát cho cha mẹ

Tất nhiên bạn không thể ký kết thỏa thuận với một em bé hoặc trẻ mới biết đi. Bạn chỉ có thể xác định cho chính mình những gì cần thay đổi và những gì bạn muốn làm khác. Bạn hãy tự trả lời những câu hỏi sau đây, tốt nhất là bằng cách viết ra, như cha mẹ của Sebastian 3 tuổi đã làm.

Hành vi nào cần phải thay đổi? Một ví dụ: “Sebastian khóc và nổi giận nhiều lần trong ngày. Điều này không phù hợp với tuổi của con. Hành vi này cần phải thay đổi.”

Hành vi không mong muốn xuất hiện thường xuyên không? Bạn hãy viết chính xác độ thường xuyên, kéo dài bao lâu và mức độ của hành vi không mong muốn của trẻ trong một tuần. Ví dụ: “Sebastian trong tuần này, cáu giận từ hai đến năm lần mỗi ngày. Chúng kéo dài từ 10 đến 30 phút.”

Bạn chọn hậu quả nào? Viết ra những gì bạn sẽ làm từ bây giờ, ngay sau khi trẻ thể hiện hành vi không mong muốn. Có thể như sau: “Nếu trò chuyện rõ ràng không có tác dụng, tôi chọn tạm nghỉ: Khi Sebastian ngồi phịch xuống đất và la hét, tôi sẽ rời khỏi phòng mà không nói một lời. Cứ ba phút một lần, tôi đi tới chỗ con và hỏi con, liệu bây giờ con có muốn dừng lại không. Nếu con la hét và chạy ra sau lưng tôi, tôi sẽ đưa con vào phòng và đóng cửa lại. Tôi vẫn đứng ở ngoài cửa và chú ý rằng con ở trong đó. Cứ ba phút một lần, tôi đi vào và mang tới cho con một đề nghị hòa bình cho đến khi con bình tĩnh lại.”

Bạn chọn cách khuyến khích nào? “Nếu Sebastian bình tĩnh lại, con có thể đến chỗ tôi. Trong thời gian tiếp theo, tôi đặc biệt chú ý đến việc tốt, khen ngợi và khích lệ con. Nếu có thể, tôi sẽ chơi cùng con sau một giai đoạn yên bình ngắn ngủi.”

Bạn kiểm soát sự thành công bằng cách nào? Viết tiếp cuốn nhật ký để bạn có thể biết chính xác sự tiến bộ này: “Một tuần trước, tôi bắt đầu thực hiện kế hoạch. Từ lúc đó, Sebastian không cáu giận một lần nào trong ba ngày, tương đối ngắn trong một ngày và 30 phút kịch liệt lần lượt vào thứ Hai và thứ Ba.”

GIẢI PHÁP

Tự kiểm soát: Con đường dẫn đến thành công

Treo bản kế hoạch được mô tả trước đó của bạn vào một chỗ dễ thấy và dễ tiếp xúc, để bạn thường xuyên được nhắc nhở về nó.

Kể với ai đó về kế hoạch của bạn–có thể là bà hoặc một người bạn tốt. Trưởng nhóm mẫu giáo hoặc bác sĩ nhi khoa cũng phù hợp. Việc này chỉ có thể có lợi nếu bạn đã thảo luận với ai đó về việc này và nghe ý kiến phản đối. Đối với bạn, đây là một thử nghiệm tốt xem chính bạn có thực sự bị thuyết phục bởi kế hoạch của mình hay không.

Tính đến khả năng sẽ gặp khó khăn. Mỗi đứa trẻ bình thường đều tỏ thái độ chống đối khi cha mẹ thay đổi thói quen đã được thiết lập. Sức chịu đựng của bạn sẽ được đặt vào một bài kiểm tra khó. Trẻ em gần như có thần kinh tốt hơn so với người lớn.

Hãy tự thưởng cho mình một điều gì tốt đẹp nếu bạn đã tuân thủ được kế hoạch của mình! Bạn có thể tự hào về bản thân và thậm chí tự thưởng cho mình! Nếu bạn và con cùng tương tác với nhau tốt hơn thì có thể dành phần thưởng lớn nhất cho cả hai. ➞ Hợp đồng thỏa thuận giữa cha mẹ và con

Sớm nhất từ tuổi mầm non, bạn có thể cho trẻ tích cực tham gia lập kế hoạch hợp đồng. Tỷ lệ tham gia vào ý tưởng và đề xuất của trẻ càng lớn thì trẻ sẽ càng tuân thủ tốt hơn. Nếu trẻ đã có thể viết, tốt nhất trẻ nên tự viết thỏa thuận ra giấy. Cuối cùng, cha mẹ và con đóng dấu thỏa thuận có chữ ký của mình.

Ví dụ của Sara 8 tuổi sẽ cho các bạn thấy một hợp đồng như vậy có thể được soạn chi tiết bằng cách nào. Vấn đề ở đây là cuộc đấu tranh hàng ngày về bài tập về nhà. Vì thế, bạn cũng có thể tiến hành cho các vấn đề khác.

Hành vi không mong muốn có xảy ra thường xuyên không? Như trong kế hoạch tự kiểm soát được mô tả ở trên, đầu tiên bạn hãy quan sát tình hình trong một tuần và viết ngắn gọn vào một cuốn nhật ký.

Mẹ của Sara đã làm như vậy hàng ngày sau khi làm bài tập về nhà. Sara cần bao nhiêu thời gian? Mẹ phải giúp đỡ bao nhiêu lần? Có tranh cãi thường xuyên không? Mức độ thế nào?

Họp khẩn cấp: Hãy ngồi cùng với trẻ để trao đổi về tất cả mọi thứ trong hòa bình. Hãy dành nhiều thời gian để làm điều này. Trong cuộc trao đổi này, bạn không được bị quấy rầy. Anh chị em không liên quan không có việc gì ở đó cả.

Mẹ của Sara đã chọn thời gian sau khi ăn trưa. Bà nói với con gái: “Trước khi con bắt đầu làm bài tập về nhà, mẹ cần trao đổi một việc rất quan trọng với con. Lại đây con, ngồi với mẹ. Cả hai chúng ta đều bực tức với nhau mỗi ngày. Nhất thiết phải thay đổi gì đó thôi!”

Đâu là vấn đề? Đầu tiên hãy hỏi trẻ liệu trẻ có ý tưởng gì không. Sau đó bạn mới nói với trẻ rằng bạn nhìn nhận vấn đề như thế nào. Câu chuyện của Sara và mẹ cô diễn ra như thế này:

Mẹ: “Con có biết mẹ nghĩ gì không?”

Sara: “Lúc làm bài tập về nhà, con luôn càu nhàu. Ý mẹ là thế phải không?”

Mẹ: “Con nói đúng chủ đề đấy. Mẹ thực sự cần phải làm điều gì đó khác đi khi cùng con làm bài tập về nhà. Và con cũng vậy nhé.”

Tại sao phải thay đổi? Đầu tiên hãy hỏi lại trẻ câu này. Hãy chú ý hướng vào chủ đề. Sau đó nêu lý do riêng của bạn thật ngắn và đơn giản. Như thế này:

Mẹ: “Tại sao hai mẹ con mình cùng phải thay đổi cả hành vi của mình, con nghĩ sao, Sara?”

Sara: “Con không biết.”

Mẹ: “Mẹ muốn giải thích với con. Bây giờ mẹ đang ngồi bên cạnh con suốt thời gian con làm bài tập về nhà. Con rất hay hỏi mẹ, mẹ thường xuyên giúp con làm bài. Sau đó chúng ta cãi nhau. Con hét lên với mẹ, mẹ mắng lại con. Tuần trước, mẹ đã viết: Tranh cãi kéo dài ít nhất một tiếng, thường là hai tiếng cho đến khi con xong bài. Sau đó, cả hai chúng ta giận nhau. Mẹ không muốn như thế. Mẹ muốn con tự làm bài tập về nhà. Và mẹ muốn mẹ con mình không cãi nhau nữa.”

Chúng ta muốn làm gì khác đi? Hãy hỏi xem trẻ có đề xuất cải tiến không. Bạn hãy xác định chính xác những gì một trong hai người cần làm trong tươnglai.

Mẹ của Sara đặt ra cho con gái những câu hỏi sau và cùng cô bé tìm kiếm câu trả lời thích hợp: Nên làm bài tập về nhà ở đâu? Được phép làm bài tập trong bao lâu? Chúng ta kiểm soát việc này thế nào? Con có thể làm gì một mình? Mẹ sẽ hỗ trợ con ở bài tập nào? Con được phép mắc bao nhiêu lỗi?

Chúng ta chọn hậu quả nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong hai người không tuân thủ thỏa thuận? Cả ý kiến của trẻ cũng rất cần thiết.

Điều gì xảy ra khi hết thời gian? Điều gì xảy ra khi Sara mắc quá nhiều lỗi? Điều gì xảy ra khi Sara bắt đầu la mắng hoặc hét lên? Và đièu gì sẽ xảy ra khi mẹ bắt đầu la mắng hoặc hét lên?

Chúng ta lựa chọn khuyến khích hoặc thưởng cho trẻ như thế nào? Một cuộc họp khẩn không phải là dịp tốt để đàm phán phần thưởng với trẻ. Bạn có thể để đến một thời điểm sau đó, khi thấy tình hình tiến triển tốt hơn. Hoặc bạn quy định phần thưởng mà không cần thảo luận. Bạn cũng nên chọn một phần thưởng cho chính mình. Trong việc này, trẻ có thể giúp bạn. Điều gì xảy ra nếu Sara đã làm bài tập về nhà một cách nhanh chóng và không “diễn kịch”? Điều gì xảy ra khi mẹ giữ thỏa thuận một cách lặng lẽ và không la mắng?

Chúng ta sẽ làm gì khi cả tuần diễn ra tốt đẹp?

Chúng ta viết nó ra thế nào? Ghi lại chính xác những gì bạn và trẻ muốn làm khác đi trong tương lai và hậu quả (cũng như phần thưởng) mà bạn chọn. Nếu trẻ đã có thể viết, hãy để trẻ tự viết ít nhất một phần của hợp đồng. Sara và mẹ cô đã thay phiên nhau viết. Do văn bản dài, người mẹ đảm nhận phần lớn nhất. Trong phần bên, bạn sẽ thấy những điều khoản của hợp đồng giữa Sara và mẹ cô bé.

Làm thế nào để kiểm soát sự thành công? Trong một lịch trình hàng tuần – một quyển lịch, một thời gian biểu hoặc một kế hoạch tự xây dựng – hàng ngày, bạn viết ngắn gọn những điều quan trọng nhất. Trong hợp đồng, Sara và mẹ đã thỏa thuận sử dụng giấy dán hình tim (cho Sara) và mặt cười (cho mẹ) là dấu hiệu của sự thành công. Lịch trình hàng tuần của bạn trong tuần đầu tiên sau khi ký hợp đồng tương tự như trong phần bên.