Phần 4. Tất cả các bậc phụ huynh đều mắc sai lầm

Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn

Trong chương này bạn sẽ biết… ➞ Vì sao việc giáo dục trẻ sẽ không thành công nếu thiếu sự đấu tranh? ➞ Những lý do chính đáng con bạn có thể đưa ra để biện minh cho những hành động kì quặc nhằm gây sự chú ý ➞ Những lý do dẫn đến hành vi tai hại nhằm gây sự chú ý ➞ Bạn có thể khiến trẻ cảm thấy không cần thiết phải gây sự chú ý bằng cách nào? ➞ Những phản ứng nào của phụ huynh được trẻ đặc biệt ưa thích nhưng lại không hiệu quả? ➞ Vì sao những phản ứng mang tính ghét bỏ của bố mẹ sẽ mang lại những hậu quả khôn lường? ➞ Hàng ngày bọn trẻ đều diễn kịch… Chúng cố gắng thu hút sự chú ý

Vì sao bọn trẻ muốn đấu tranh?

GIÁO DỤC SẼ KHÔNG THÀNH CÔNG nếu không có xung đột và thiếu tính đấu tranh vì việc dạy dỗ được hiểu đơn giản là thỉnh thoảng ngăn cản bọn trẻ làm những thứ chúng thích. Chẳng hạn như xem ti-vi, ăn đồ ngọt, vầy nước, ra ngoài chơi hay bắt chước cha mẹ quát mắng và dậm chân. Với bọn trẻ thì bạn chính là những người dập tắt mọi thú vui và lúc nào cũng nói: “Đủ rồi đấy. Chấm dứt ngay đi.” Điều đó khiến bạn không còn đáng yêu trong mắt lũ trẻ nữa và thật dễ hiểu nếu sau đó lũ trẻ sẽ phản đối, cãi lại hoặc bực bội. Những phản ứng này cho thấy trẻ đang cố gắng thể hiện thái độ không vừa lòng với những kẻ “Dập tắt mọi thú vui của chúng”. Thêm nữa, dạy dỗ trẻ còn có nghĩa là yêu cầu chúng làm cả những việc chúng không thích, chẳng hạn như dọn dẹp phòng, đánh răng, lên giường đi ngủ hoặc làm bài tập về nhà. Rất nhiều trẻ không tự giác và chúng sẽ phản kháng, cãi lại, bực bội hoặc thể hiện thái độ không vừa lòng với những ai bắt chúng phải làm những công việc nhàm chán ấy. Bạn có thấy bất thường không nếu con bạn lúc nào cũng nói: “Vâng thưa mẹ” và sau đó thực hiện ngay lập tức những gì bạn yêu cầu? Lũ trẻ bẩm sinh thường không phải những con cừu non dễ bảo đâu.

Ngay cả trẻ con cũng luôn muốn biết: Ai là kẻ mạnh hơn?

Lũ trẻ giống như một bầy sư tử con cả ngày phải cố gắng thể hiện mình trong những cuộc tranh đấu. Chúng muốn biết chúng có sức mạnh và tầm ảnh hưởng đến đâu, có thể thể hiện sự vượt trội của bản thân với ai và như thế nào. Nhưng lũ trẻ gặp khó khăn hơn bầy sư tử con ở chỗ chúng lớn lên trong khuôn khổ những quy tắc mà không có anh chị em đồng trang lứa. Thậm chí nhiều đứa còn không có anh chị em. Vì vậy bố mẹ cần đóng vai những đối thủ cạnh tranh của chúng.