Phần 9. Kế hoạch đặt giới hạn

Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn

Trong chương này các bạn sẽ biết… ➞ Tại sao bạn nên chú ý vào ưu điểm của trẻ và làm thế nào để thực hiện được điều này? ➞ Bạn có thể thắt chặt quy định trong gia đình như thế nào? ➞ Bạn có thể nói công khai quan điểm của mình với con như thế nào? ➞ Sau khi nói xong, bạn nên có động thái gì? ➞ Làm thế nào để có thể thoả thuận một bản hợp đồng với con? ➟ Điều kiện để đặt giới hạn

Ở CHƯƠNG TRƯỚC, chúng ta đã thảo luận kỹ về những điều bố mẹ không nên làm. Chắc hẳn trong lúc đọc, bạn đã tự hỏi rất nhiều lần: “Vậy tôi nên làm gì? Dù sao tôi cũng phải hành động chứ!” Trong những năm gần đây, rất nhiều công thức nuôi dạy trẻ ra đời. Từ đó, tôi đảm bảo kế hoạch phân rõ ranh giới được nêu ra sau đây là một kế hoạch hiệu quả và bạn có thể dễ dàng thực hiện nó. Đây là một kế hoạch từng bước: Bạn sẽ tiến lên từng bước, từng bước một. Nếu bước đầu không thành công, hãy chuyển sang bước tiếp theo.

Biểu đồ dưới đây đã cho bạn một cái nhìn toàn cảnh về việc đặt ra giới hạn như thế nào và kế hoạch này tiến triển ra sao. Bạn có thể hiểu rõ hơn ở phần thứ hai của chương.

Ưu điểm của kế hoạch này là bất cứ thời điểm nào bạn đều có thể biết được bước tiếp theo mình sẽ làm gì. Nhưng kế hoạch này chỉ có tác dụng trong những điều kiện nhất định. Bạn sẽ khám phá những điều kiện này ở những trang tiếp theo. ? GIẢI PHÁP

Kế hoạch từng bước để phân rõ ranh giới

Điều kiện đầu tiên:

Hướng tới kết quả tốt đẹp

BẠN CÒN NHỚ TỚI công cụ hữu ích chống lại cuộc chiến nhằm gây sự chú ý không? Hãy lắng nghe, thông điệp khẳng định cái tôi, có trách nhiệm hơn với con, thời gian dành cho sự quan tâm – với những công cụ này, bạn sẽ thành công. Xung đột sẽ giảm đi, con bạn sẽ thường xuyên hợp tác và bớt “đối đầu” với bạn hơn. Tuy nhiên cũng có những trường hợp mà các công cụ này không phát huy tác dụng: Khi bạn đã thấu hiểu cảm giác của con (bằng cách lắng nghe), nói lên nhu cầu của bản thân (qua thông điệp cá nhân), đưa ra những luận điểm xác đáng mà con bạn vẫn cứ tiếp tục làm những điều nó muốn. Nếu ngày ngày tranh giành quyền lực và tranh luận mà vẫn chưa có một sự thay đổi nào thì bố mẹ cần đến công cụ để phân định ranh giới.

Điều kiện để phân rõ ranh giới là con phải cảm thấy nó được bạn yêu thương và chấp nhận. Những yêu cầu khó chịu và những khuôn khổ không cần thiết cho con sẽ để lại hậu quả nặng nề. Thêm vào đó, con thường cảm thấy bị chỉ trích. Sự quan tâm đầy yêu thương của bạn là cần thiết cho một mối quan hệ hữu nghị và hài hòa. Trong lúc con học những luật lệ và giới hạn, có một điều không thể thiếu: Hãy chú ý tới những ưu điểm! Bạn không được phép bỏ sót bất cứ ưu điểm nào!

Hãy chú ý đến cách cư xử tích cực của con

Làm sao con biết được rằng bạn nghĩ tốt về chúng? Rằng bạn thích chúng? Yêu chúng? Tin tưởng chúng? Cần chúng?

Đối với con bạn, những điều “hiểu nhiên” này quan trọng như mạng sống vậy. Bạn đã thể hiện đủ rõ ràng với con chưa? Con cần bạn nhắc đi nhắc lại điều này – không phải thỉnh thoảng mà là thường xuyên. Bạn có rất nhiều cách tích cực quan tâm đến con. ➞ Chấp nhận con người của con

Bạn được phép mắc lỗi. Con bạn cũng vậy. Nếu con cư xử không có chừng mực, bạn có thể từ chối hành động của con và đưa ra hậu quả. Nhưng bạn đừng bao giờ có định kiến về tính cách của con. Hãy chấp nhận con người thật của con. Trong bảng dưới đây, bạn có thể tìm thấy một vài ví dụ.

GIẢI PHÁP

Chấp nhận thay vì định kiến ➞ Động viên con

Hãy động viên con mình. Hãy chỉ cho chúng thấy rằng bạn tin tưởng vào khả năng của chúng. Đặc biệt những trẻ nhỏ hơn luôn không ngừng thử những điều mới lạ. Đây là một cơ hội tuyệt vời để bố mẹ có thể chỉ cho con thấy rằng: “Bố/mẹ tin là con làm được. Bố/mẹ rất vui nếu có thể làm cùng con!” Tiếc rằng chúng ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội như thế này. Chúng ta thường khiến con nản chí thay vì cho con thêm động lực. Ví dụ như:

Maria (8 tuổi) thích tới trường và học rất tốt. Chỉ có môn Toán khiến cô bé gặp chút rắc rối. Trong bảng điểm của cô bé có ghi: “Maria gặp khó khăn lớn trong việc tập trung. Cô bé phải học bảng cửu chương chăm chỉ hơn.”

Cô giáo có thể ghi như sau để động viên trẻ: “Maria thích nhiều thứ và thường làm những điều cô bé thích rất say mê. Cô bé đã có tiến bộ trong việc học bảng cửu chương. Nếu tiếp tục luyện tập, cô bé có thể nhanh chóng sử dụng nó thành thục.”

GIẢI PHÁP

Động viên thay vì làm nhụt chí

Tất cả những phản ứng làm nhụt chí đều có một điểm chung: nhấn mạnh những lỗi lầm của con. Thành quả và mong muốn tốt đẹp của con không được chú ý. Phản ứng động viên thì ngược lại: không nhấn mạnh vào lỗi lầm mà là những tiến bộ và mong muốn tốt đẹp. Bố mẹ và cả giáo viên cũng như những người làm công tác giáo dục trẻ cần chỉ ra những cảm giác tích cực và niềm vui của họ. Qua đó, mối quan hệ với trẻ sẽ trở nên gần gũi hơn. Trẻ sẽ cảm thấy được người lớn nhìn nhận và tin tưởng vào khả năng của chúng. ➞ Chỉ rõ những ưu điểm

Sự động viên, khen ngợi và những cử chỉ yêu thương của bạn sẽ khiến con trở nên mạnh mẽ và hình thành sự đối ứng cần thiết sau tất cả những yêu cầu không dễ chịu và những giới hạn cần thiết mà bạn phải đặt ra cho con.

Hãy nói ra những điểm tốt mà bạn thấy ở con: “Tuyệt, con đã làm rất tốt!”, “Bức tranh của con tuyệt quá!”, “Đây là một bài chính tả khó và con viết đúng gần hết! Con có thể tự hào về bản thân đi!”, “Con xây được cái tháp cao vậy! Tuyệt vời!”, “Con đã chơi xếp mô hình mấy tiếng rồi. Bố/mẹ rất vui khi con có thể sắp xếp mọi thứ ổn thỏa một mình!”, “Tuyệt vời, con trượt tuyết giỏi quá! Mẹ không thể trượt được như vậy!”, “Thật bất ngờ: Con đã tự mặc quần áo được rồi!”, “Con đã trải bàn được rồi! Bố/mẹ thấy thật tuyệt khi con làm điều này giúp bố/mẹ.”

Bất cứ trẻ em nào cũng cần những phản hồi như thế như cần không khí để thở vậy. Con phải được nghe những lời này thường xuyên để cảm thấy vui vẻ. Những lời nói của bố mẹ sẽ vọng lại và trở thành một dạng “tiếng nói trong tâm thức” với trẻ.

Sau này, không ai có thể tước đoạt của con những điều bạn khen hay xác nhận với chúng! Bạn có thể đặt nền móng cho lòng tin vững chắc của con về bản thân mình. Điều này rất quan trọng vì từ kinh nghiệm của bản thân, bạn có thể biết rằng: Chúng ta – những người trưởng thành – phải biết cách sống mà không có những lời khen ngợi hay sự công nhận của người khác.

Tuy nhiên, bạn cũng cần học cách khen ngợi: Lời nói của bạn đặc biệt hiệu quả khi bạn chú ý vào chỉ dẫn ở những trang tiếp theo.

Nói cụ thể với con về điều bạn thích ở con “Con đã dọn dẹp phòng mình rất sạch sẽ! Ngay cả bàn học và giá sách cũng đều rất ngăn nắp!”, “Mẹ thực sự thích bức tranh của con. Con chọn màu rất đẹp! Mẹ đặc biệt thấy bầu trời rất đẹp”, “Con xếp bàn ăn xong rồi! Khăn ăn và nến được đặt rất đúng chỗ. Nhìn thật hấp dẫn.”

Bạn càng nói cụ thể những điều bạn thích ở con bao nhiêu càng tốt. Con sẽ cảm thấy bạn thật sự chú ý đến những hành động tích cực của chúng. Từ đó, sự nhìn nhận của bạn cơ bản sẽ đáng tin hơn so với khi bạn lúc nào cũng chỉ nói “Đẹp đấy!” hay “Con làm rất tốt!”. Bằng cách này, bạn sẽ không bị rơi vào hoàn cảnh khen con một cách bâng quơ và đơn điệu vì “ai cũng khen như thế cả” và con sẽ không coi trọng lời khen của bạn. Thay vào đó, chúng sẽ biết bạn nói gì trước khi bạn khen chúng.

Bên cạnh đó, khi làm vậy bạn còn có thể tìm ra một điểm tích cực nhỏ nhặt từ một mối liên hệ không mấy vui vẻ: “Chữ con viết thực sự đã thẳng hàng rồi!” – bạn có thể nói vậy khi đứa con đang tuổi đi học của bạn đã viết xong một trang những từ cần học vào vở và chữ viết của nó rất thẳng hàng.

Nếu bạn có quá ít cơ hội để khen và nhìn nhận con thì bạn hãy bỏ qua những điều nhỏ nhặt có tính tích cực và nói lại với con rằng: “Đó chính xác là điều bố/mẹ thích!”. Hãy nghĩ rằng: Có những thứ đối với những đứa trẻ khác là nhỏ nhặt nhưng đối với con bạn lại là một tiến bộ vượt bậc hoặc một thành tích tuyệt vời. Bảng điểm tổng kết cũng không quá quan trọng. Bạn cần chú ý và nhấn mạnh mỗi sự tiến bộ, mỗi bước đi theo chiều hướng đúng đắn của con. Tốt nhất là khi chú ý tới sự phát triển của con, bạn không nên so sánh chúng với những đứa trẻ khác – đặc biệt là anh chị em của chúng!

Chỉ khi bạn chú ý đến ưu điểm, bạn mới có thể truyền đạt cho chúng những luật lệ và ranh giới

Để cho ưu điểm được yên

Chúng ta thường khen và động viên con nhưng chỉ một câu nói nhỏ nhặt sau đó sẽ phá hỏng tất cả! Một bàn tay của chúng ta xây đắp niềm tin vào bản thân cho con, bàn tay kia chúng ta lại cầm cây búa gỗ và đập tan những gì chúng ta vừa gây dựng nên. Có một vài ví dụ: “Dòng này con viết đẹp lắm. Nhưng mấy dòng còn lại thì viết cẩu thả quá!”, “Con dọn dẹp sạch sẽ lắm. Nếu không chỗ này lúc nào trông cũng như cái chuồng lợn!”, “Hai đứa đã hòa thuận với nhau được năm phút rồi đấy. Mẹ phải đánh dấu sự kiện này vào lịch mới được! Thường thì các con cứ hai phút là lại đánh nhau một lần!”, “Hôm nay con đã làm bài về nhà rất nhanh và tập trung. Sao điều này không xảy ra thường xuyên nhỉ?”, “Trong bóng đá, con thực sự là quân át chủ bài. Giá như ở trường con được một nửa như thế nhỉ!”, “Hôm nay con đã về nhà đúng giờ! Mẹ đã phải nhắc nhở con hàng nghìn lần, cuối cùng thì cũng có tác dụng!”