Phần 7. “Chúng ta đã làm gì sai?” Những sai lầm cha mẹ hay mắc phải

Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn

Không hiệu quả:

Khi cha mẹ phản ứng không rõ ràng và dứt khoát

NẾU BẠN ÁP DỤNG tất cả những biện pháp được đề cập trong chương trước thì trẻ sẽ không còn cần gây sự chú ý nữa. Tuy nhiên cũng có khả năng con bạn sẽ không chấp nhận tuân thủ những quy định và giới hạn bạn đặt ra cho chúng. Nhiều phụ huynh than phiền rằng bọn trẻ không làm đúng theo lời họ bảo. Hiện tượng này có thể được giải thích như thế nào?

Một bệnh nhân 4 tuổi đến phòng khám và nói thẳng ngay trước mặt mẹ mình: “Mỗi khi mẹ cháu nói điều gì đấy, cháu nghĩ luôn là đằng nào mẹ cũng nói mà không làm. Nhưng bà vú nuôi của cháu thì đã nói là làm”.

Bọn trẻ cảm nhận được ngay rằng người lớn có hành động như họ nói không. Khi chúng ta phản ứng không rõ ràng và dứt khoát thì bọn trẻ sẽ không tôn trọng chúng ta. Chúng sẽ không nghiêm túc lắng nghe chúng ta nữa. Nhưng thật đáng ngạc nhiên khi những hành động như vậy – mặc dù hầu như không hiệu quả – lại được các bậc phụ huynh ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Những phản ứng kiểu như vậy thường trở thành nguồn khích lệ trẻ tiếp tục gây sự chú ý. Tuy đa số cha mẹ biết rằng các phương pháp của họ không còn tác dụng nữa nhưng điều này lại không ngăn được họ tiếp tục cố gắng kiểu như vậy với hi vọng “Một lúc nào đó con mình sẽ hiểu ra thôi”. Rốt cuộc họ sẽ nhụt chí vì nỗ lực hết lần này đến lần khác của họ chẳng đem lại kết quả gì.

Để rút ra bài học từ sai lầm, người ta phải biết mình đã sai ở đâu. Vì thế tôi muốn chỉ cho các bạn những sai lầm phổ biến mà các bậc phụ huynh hay mắc phải. Bạn hãy chú ý và xem liệu bạn có nhận ra những sai lầm của chính mình hay không.

Tại sao một đứa trẻ lại không nghe lời? Tại sao nó vẫn cư xử hỗn láo dù bố mẹ ra sức dạy bảo? Những phản ứng sau đây của cha mẹ sẽ càng khích lệ trẻ tiếp diễn những hành vi không đúng mực. Nếu bạn là những ông bố bà mẹ bình thường, bạn nên tham khảo các hành vi dưới đây. ➞ Trách móc

Nhiều ông bố bà mẹ rất thích quở trách. Họ khiển trách lũ trẻ khi chúng cư xử hỗn láo. “Con chẳng bao giờ dọn dẹp phòng hết!”, “Con xem con đã ngoan chưa con lại làm em bực mình rồi đấy!”, “Suốt ngày con dán mắt vào cái ti-vi thôi!”, “Cả ngày trời con cứ ngậm cái núm vú giả và chạy lăng xăng khắp nơi!”

Những lời trách móc như thế thường xuất hiện qua những lời nói tỏ ra không tôn trọng trẻ như: “Con làm như thế là không ngoan đâu”, “Mẹ nghĩ điều đó là không thể đâu”, “Mẹ thực sự không chịu nổi con nữa”. Tóm lại nhiều phụ huynh phàn nàn rằng: “Con chẳng bao giờ làm như lời mẹ dặn” hoặc “Con không chú ý nghe lời mẹ gì hết”.

Bạn đã từng phản ứng như vậy chưa? Bạn đã bao giờ nhận thấy con bạn thay đổi hành vi sau khi bị quở trách chưa? Bạn chỉ muốn bắt con làm việc gì đấy ngay lập tức. Tuy nhiên con bạn lại rất hiểu theo quy định. Việc chúng nhận thức được mình sai chẳng có nghĩa lý gì hết. Với con bạn thì sự quở trách chẳng khác nào “cằn nhằn”. Từ đó nó sẽ rút ra kết luận: “Mình không thích điều đó. Nhưng mình phải giành lấy sự chú ý và tiếp tục làm vậy”. Điều này đặc biệt đúng nếu những lời trách mắng của bạn còn thể hiện sự thiếu tin tưởng con.

Trách móc không khiến trẻ cư xử đúng mục hơn ➞ Những câu hỏi tại sao

Bọn trẻ luôn liên tục bị hỏi lý do vì sao chúng lại hành động như vậy: “Tại sao con không dọn phòng đi?”, “Tại sao lúc nào con cũng cáu gắt với em thế?”, “Sao lúc nào con cũng dán mắt vào ti-vi được nhỉ?”, “Tại sao con lại đánh cậu bé ăn xin thế?”, “Sao con không nghe lời mẹ hả?” hoặc có thể tóm lại là: “Sao con không làm theo lời mẹ bảo hả?”

Những câu hỏi này thường đi kèm với những câu nói xúc phạm trẻ như “Đồ chết tiệt” hoặc “Con làm mẹ phát điên mất”.

Bạn đã từng nhận được câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi tại sao của bạn chưa? Những câu trả lời thường sẽ là “Con biết rồi!” hoặc “Con không biết” hoặc “Vì con không muốn thế”. Những câu trả lời như thế có giúp gì được bạn không? Có khi bạn sẽ nhận được những câu trả lời rất hỗn lão như: “Mẹ nói lắm thế!” hoặc con bạn sẽ lờ đi không thèm trả lời. Câu hỏi của bạn có thể sẽ mở ra cuộc đối thoại bổ ích hoặc nó sẽ khiến con bạn suy nghĩ lại và bạn biết điều này. Chúng ta – những bậc làm cha mẹ không mong chờ một câu trả lời “tốt”. Vậy tại sao chúng ta lại luôn hỏi con câu hỏi “Tại sao…?”

Theo tôi, những câu hỏi tại sao thể hiện hai thứ: sự giận dữ và bất lực của chúng ta. Cả hai điều này đều khiến việc gây sự chú ý của trẻ không bao giờ chấm dứt. Sự tức giận của bạn khiến trẻ cảm thấy bị xua đuổi còn sự bất lực của bạn sẽ cho trẻ cảm giác chúng ở thế thượng phong. Thay vì hỏi: “Tại sao con lại làm như thế”, chúng ta có thể hỏi khác đi: “Mẹ nên làm gì với con bây giờ đây? Mẹ không thể dạy bảo được con nữa rồi”. Câu hỏi như vậy không yêu cầu con chúng ta phải trả lời đúng không?

Câu hỏi “Tại sao…” không hiệu quả để thay đổi hành vi của trẻ ➞ Cầu xin và van nài

Thỉnh thoảng bạn có cầu xin con thay đổi cách ứng xử không? “Con làm ơn hãy ngoan ngoãn một lần và vào dọn phòng đi có được không?”, “Con làm ơn yêu thương em con hơn chút được không?”, “Con làm ơn tắt cái ti-vi đi cho mẹ nhờ”, “Cục cưng của mẹ, con mau nín đi nào!”. Thỉnh thoảng cha mẹ lại bất lực bật khóc và cầu xin trẻ: “Con làm ơn làm theo lời mẹ đi mà!”.

Gần như không gì có thể kháng cự lại một lời thỉnh cầu chân thành cả. Tuy nhiên, một lời thỉnh cầu cũng đồng nghĩa với việc trao cho trẻ quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận. Khi bạn muốn con làm gì theo ý mình thì một lời thỉnh cầu là điều không phù hợp.

Dường như đang có một sự mâu thuẫn ở đây khi con bạn vẫn tiếp tục có những hành vi không thể chấp nhận được? Trong một tình huống như vậy thì tất cả phụ thuộc vào việc con có tin bạn và cảm nhận được rằng bạn cũng tin tưởng con không. Với những từ “Làm ơn, làm ơn” như thế, bạn đã tự khiến bản thân trở nên nhỏ bé trước trẻ. Bạn thực sự bị động và muốn con thông cảm với mình. Một lời thỉnh cầu có thể được con bạn hiểu theo kiểu: “Nếu mình đồng ý thì mẹ sẽ không cầu xin mình nữa. Nếu mình không muốn thế thì mình cứ kệ mẹ thôi”.

Bạn đã từng khóc cầu xin con hãy ngoan ngoãn hơn chưa?

Có lần tôi ngồi xuống bên con, vừa khóc vừa nói: “Mẹ rất lo cho con. Thời gian gần đây con rất khó bảo. Mẹ đã cố gắng hết sức nhưng càng ngày mẹ càng hoang mang và không biết nên làm thế nào với con. Mẹ xin con, con hãy trở lại ngoan ngoãn như trước kia được không! Mẹ biết con làm được mà!”.

Lời thỉnh cầu đã có hiệu quả. Đứa con trai 8 tuổi của tôi đã ngoan hơn trông thấy. Lời thỉnh cầu của tôi được lồng ghép trong nhiều thông điệp thể hiện cái tôi đã được đề cập chi tiết và hiệu quả chắc chắn đã tăng lên.

Khi bạn cho trẻ thấy sự bất lực và buồn rầu của mình, trẻ sẽ thấy có lỗi và thay đổi. Tuy nhiên bạn không nên sử dụng cách này thường xuyên. Bạn hãy tưởng tượng xem liệu bạn có thể khóc lóc cầu xin trẻ hàng tuần hay thậm chí hàng ngày không? Con còn có thể tin bạn nữa không? Tốt nhất hãy khiến trẻ đồng cảm với bạn. Ở bên bạn, con có thể có được cảm giác an toàn và được bao bọc như thế nào nhỉ?

Con bạn có thể nghe theo một lời cầu xin – nhưng cũng có thể không. Nếu như vậy thì những lời cầu xin của bạn với con không thực sự hiệu quả ➞ Đưa ra yêu cầu nhưng không kèm theo hình phạt nếu trẻ không vâng lời

Giả sử, bạn yêu cầu con bạn một hoặc nhiều lần làm việc gì đó hoặc để yên cho thứ gì đấy. Nhưng con bạn không phản ứng lại. Có chuyện gì đang xảy ra vậy? Hoàn toàn không có gì cả! Những yêu cầu của bạn giống như đang rơi vào một căn phòng chân không. Tôi có một vài ví dụ cho trường hợp này. Bạn có nhận thấy mình trong đó không?

Mẹ: “Nadine, dọn phòng ngay cho mẹ! Nhìn từ đây vào trông phòng con thật kinh khủng!”

Nadine (mặc kệ, vẫn chơi bình thường và không dọn phòng)

Mẹ (quay trở lại phòng năm phút sau): “Nadine, con phải dọn phòng ngay đi!”

Nadine: “Vâng, con dọn ngay đây thưa mẹ!” (Cô bé vẫn tiếp tục chơi và không dọn dẹp gì hết)

Bố: “Matthias, tắt ti-vi và làm bài tập về nhà ngay đi!”

Matthias: “Vâng con tắt ngay đây!” (vẫn xem ti-vi tiếp)

Bố (Mười phút sau ông bố rất tức giận): “Bố đã bảo con tắt ti-vi cơ mà! Con không bao giờ nghe lời bố cả!”

Matthias: “Lúc nào bố cũng cằn nhằn được!” (cậu bé vẫn xem ti-vi tiếp)

Mẹ: “Beatrice, trả cái ô tô cho em ngay! Có phải ô tô của con đâu!”

Beatrice (gào thét và cố giữ bằng được chiếc ô tô)

Mẹ: “Con này quái thật!”

Beatrice (vẫn giữ chiếc ô tô)

Diễn biến trong những tình huống trên đều giống nhau: Bố mẹ chỉ rõ cho trẻ chúng phải làm gì. Trẻ không làm theo. Bố mẹ không theo sát sao trẻ đến cùng và không dứt khoát yêu cầu trẻ thực hiện. Trẻ sẽ học được những gì từ việc này? “Những việc bố mẹ bảo mình làm toàn những thứ chẳng quan trọng. Mình có làm hay không cũng chẳng sao.”

Khi bạn đưa ra yêu cầu và không kèm theo điều kiện phạt thì những yêu cầu và lời nói của bạn sẽ không có tác dụng. Trẻ sẽ coi thường và không nghe lời bạn ➞ “Nếu – thì”: đe dọa nhưng không thực thi hình phạt