Phần 2. Con tôi nên học theo quy tắc nào?

Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn

Quy tắc quan trọng cho mỗi lứa tuổi

ĐỐI VỚI CÁC BẬC CHA MẸ, những đứa trẻ sau đây có thể được coi là “đáng lo ngại”: trẻ gào khóc nhiều giờ liên tục, trẻ hay cắn và đánh nhau, trẻ ăn kém, trẻ nghịch ngợm khi ở trường, trẻ hay bị đau bụng. Tất cả các bậc phụ huynh đều đồng quan điểm: “Chúng ta chưa lường trước được những điều này!”

Đã bao giờ chúng ta từng suy nghĩ làm sao chúng ta có thể hình dung được quá trình phát triển của con em mình? Những ước muốn của cha mẹ đôi lúc khá xa vời so với các quy tắc mà con cái được học trên thực tế. Điều này đúng với trẻ em ở mọi độ tuổi – từ sơ sinh cho đến khi đi học ➞ Độ tuổi sơ sinh: năm đầu đời “Con tôi trông rất xinh xắn và lúc nào cũng vui vẻ. Lúc chưa ngủ – giai đoạn này trẻ thường ngủ gần như cả ngày lẫn đêm – thì nó vẫn tự chơi một mình được.

Nó cười nhiều, ăn uống tốt thường khỏe mạnh. Chạy nhảy, nói năng hay bất cứ thứ gì khác, nó đều học có phần nhanh hơn so với những trẻ khác cùng độ tuổi. Ở đâu nó cũng có thể thích nghi tốt, nên tôi có thể mang nó theo mọi lúc mọi nơi. Gần như không có vấn đề gì xảy ra, kể cả với người trông trẻ. Nó rất thích được tôi âu yếm, ôm ấp và vuốt ve.”

Có ai trong số chúng ta lại không thầm mong muốn có một em bé tuyệt vời như vậy? Quảng cáo đã chi phối giấc mơ của chúng ta bằng những hình ảnh đẹp đẽ trên tạp chí hay ti-vi. Chúng ta thấy những gì chúng ta hằng mong ước và nghĩ rằng: “Ừ, rồi mọi chuyện sẽ như thế!” Trên thực tế, vẫn có những gia đình thực sự may mắn khi mọi thứ diễn ra như mong muốn của họ. Hình ảnh một em bé tuyệt vời bên cạnh cha mẹ đang tươi cười hạnh phúc trở thành hết sức “bình thường” và các bác sĩ nhi đều quá quen với nhiều trường hợp như thế này khi khám bệnh. Nhưng “bình thường” cũng có thể có nghĩa là một đứa bé ngủ ít, không thể tự chơi một mình, cười ít, khóc nhiều, ăn uống kém và thường xuyên bị ốm, có thể bị dị ứng hay mắc một căn bệnh mãn tính nào đó, chậm biết đi và biết nói hơn những đứa trẻ khác, không thích được âu yếm và tỏ ra khó chịu khi bị đưa ra chỗ khác. Những đứa bé như thế này thường xuyên được đưa đi khám. Phần lớn bọn trẻ nằm ở giữa hai thái cực này.

Các bạn hoàn toàn có quyền mơ về một đứa trẻ hoàn hảo khi mang thai và trong tuần đầu sau sinh. Tốt hơn hết là hãy để bản thân mình có quyền được bất ngờ. Một bà mẹ trẻ đã có lần kể với tôi: “Lúc mang thai, tôi rất háo hức chờ đợi đứa con của mình ra đời. Tôi tin chắc nó là một bé trai. Tôi tưởng tượng mọi thứ sẽ rất tuyệt vời. Nhưng rồi thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Tôi sinh một bé gái. Con bé trông cực kì mệt mỏi. Nó khóc rất nhiều và hiếm khi vừa ý điều gì. Nó đòi tôi phải quan tâm đến nó cả ngày. Chỉ vài tuần sau, đầu óc tôi trở nên mụ mị. Tôi không hề lường trước được điều này. Tôi vô cùng thất vọng.”

Mỗi đứa trẻ đều khác biệt

Ngay từ thời điểm thụ thai, nhiều thứ đã được định sẵn mà bạn không thể chi phối được, như giới tính, chiều cao, hình thể gương mặt, cũng như nguy cơ về bệnh tật, nhu cầu ăn ngủ, tính khí và khả năng tiếp thu. Ngoài yếu tố di truyền, còn có ít nhiều tác động từ điều kiện ngoại cảnh gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ. Nhưng ngay cả khi trẻ khóc nhiều hay ít, uống sữa tốt hay kém, ngủ nhiều hay ít, có hay bị ốm hay không thì cũng không phải do bạn gây ra.

Vì vậy, câu hỏi không nên là: “Trẻ nên học và có thể học những quy tắc nào trong năm đầu tiên?” mà phải là: “Con tôi nên học và có thể học những quy tắc nào?” Điều quan trọng nhất là các bạn phải chấp nhận những gì tạo hóa đã ban tặng, ngay cả khi con bạn “khó chiều”, mắc bệnh mãn tính hay tật nguyền. Phải cân nhắc về mục tiêu của giáo dục ở mỗi độ tuổi phát triển khác nhau sao cho những mục tiêu này phù hợp và hiệu quả với con bạn – không ai có thể làm nhiệm vụ vô cùng khó khăn và quan trọng này ngoài bạn. Điều này có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên, đó là trẻ trong độ tuổi này đã có thể học được các quy tắc – hay nói đúng hơn là thông qua các quy luật. Một đứa bé mới sinh không phân biệt được đúng hay sai, thích hay không thích. Nhưng nó có thể cảm nhận được thái độ của bố mẹ khi phản ứng lại hành vi của chúng. Từ đó nó có thể rút ra được kết luận và quyết định thái độ của mình. Cách thể hiện của nó dù vẫn còn bị hạn chế nhưng lại hết sức hiệu quả, ví dụ như một nụ cười rạng rỡ có thể xua tan mọi bực dọc của cha mẹ. Hay những tiếng kêu khóc thảm thiết của trẻ sẽ khiến cha mẹ trở nên âu lo, thương xót, bực bội hay cảm thấy bất lực. Những lúc như vậy, họ thường tìm mọi cách để trẻ thôi khóc ngay lập tức.

Từ góc nhìn của trẻ, chúng tôi đã xây dựng cho các bạn một số “quy tắc” khả thi để trẻ có thể học trong năm đầu tiên và xác định được thế giới quan cho trẻ, đặc biệt là từ tháng thứ sáu trở đi. Những quy tắc này là theo ý kiến chủ quan và chưa hẳn đã đầy đủ. Các bạn có thể tự mình đánh giá. “Con có những gì con muốn” “Khi con khóc, phải có ai đó chơi cùng con.” “Con chỉ ngủ khi được bế.” “Con ăn khi nào con muốn, bất kể ngày hay đêm.” “Khi con không thích thìa thì con sẽ được bú mẹ.” “Khi con khóc trong nôi thì muộn nhất là năm phút sau con sẽ được bế.”

Các quy luật tương tự như thế này có đúng với con bạn không? Từ đó trẻ sẽ rút ra được quy tắc: “Con muốn gì thì điều đó sẽ đến. Bố mẹ chắc là không có nguyện vọng gì khác.” “Những điều con muốn đều không được để ý đến” “Lúc nào con cũng phải uống hết cả bình sữa, dù có đói hay không.” “Đêm nào con cũng phải nằm trên giường 12 tiếng đồng hồ, dù con chỉ có thể ngủ được 10 tiếng.” “Sau mỗi bữa ăn, con đều bị đưa ra chỗ khác ngay lập tức. Không ai chơi đùa với con cả.”

Trái ngược với những quy tắc trên, con bạn trong những trường hợp này lại nhận ra rằng: “Mọi chuyện đều diễn ra như bố mẹ mong muốn. Mọi nhu cầu của mình đều không được đáp ứng.” ? GIẢI PHÁP

Những quy tắc khuyên dùng cho lứa tuổi này

Cả hai trường hợp quy tắc nêu trên đều có nhiều bất cập. Nhưng vẫn có trường hợp thứ ba như sau: “Mẹ quyết định con sẽ được ăn lúc nào và ăn món gì. Con được phép quyết định có muốn ăn không và ăn bao nhiêu.” “Khi con thấy đủ no và vui vẻ, thoải mái, mẹ sẽ rất thích chơi với con.” “Khi con khóc, con sẽ có những gì con muốn. Nếu sau đó con vẫn tiếp tục khóc, bố mẹ sẽ ít quan tâm đến con hơn.” “Bố mẹ dành nhiều thời gian trong ngày để chơi đùa với con. Nhưng khi bố mẹ phải làm một công việc gì đó quan trọng, con phải tự chơi một mình dù muốn hay không.” “Trong nhà con được phép nghịch mọi thứ, nhưng một vài thứ thì tuyệt đối không được chạm vào.”

Con bạn có đúng với những quy luật này không? Nếu có, trẻ sẽ rút ra được là: “Con sẽ được bố mẹ cung cấp bất cứ thứ gì con cần. Nhưng không phải tất cả những gì con muốn. Bố mẹ quan tâm đến mọi nhu cầu của con. Nhưng bố mẹ còn biết rõ điều gì là tốt cho con hơn.” ➞ Độ tuổi những năm đầu đời: năm thứ hai và thứ ba

Ngày sinh nhật đầu tiên của bé đã trôi qua. Các bạn mong đợi điều gì trong hai năm tới? “Sau một năm thì con đã có thể chạy và bắt đầu tập nói. Sau ba năm con đã có thể nói trôi chảy. Tất nhiên con cũng ngủ được đủ giấc. Thức ăn của con cũng phong phú hơn. Con thích chơi với những đứa bé khác, thích chia sẻ đồ chơi nhưng cũng có thể đòi lại nếu muốn. Trong lớp, con tham gia một cách tích cực. Con đặc biệt yêu quý em mình. Con luôn nghe lời, không bao giờ chạy lung tung, có thể tách khỏi bố mẹ, chỉ làm một việc gì đó khi được phép, luôn vui vẻ và khỏe mạnh. 2 tuổi con đã tự đi vệ sinh được. Tất nhiên nó cũng tự ăn được. Con rất thích các món rau và hoa quả. Con cực kỳ thích chơi trong phòng riêng. Con có thể chơi đồ chơi một mình hàng giờ liền. Con chơi đùa rất hăng hái ở sân chơi. Nó cũng khá dũng cảm nhưng không bao giờ làm gì quá nguy hiểm. Và con trông lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng.

Giấc mơ và sự thật

Bạn có biết đứa bé nào “hoàn hảo” không? Tôi biết có những bà mẹ thường hay tự nói với mình: “Nó phải như vậy chứ. Nếu mọi thứ đều không như ý thì tôi xin chịu thua.” Nhưng nếu như đứa bé biết chạy và biết nói muộn, 3 tuổi vẫn chưa thể tự đi vệ sinh, không thích những thứ đẹp đẽ, không tham gia chơi cùng các bạn và lúc nào cũng muốn trả em nó về lại bệnh viện thì cũng hoàn toàn bình thường!

Trong giai đoạn phát triển thú vị này, mỗi đứa trẻ mở mang tầm nhận thức của mình với một tốc độ khác nhau. Trẻ học chạy tới nhưng cũng biết chạy lui. Trẻ học nói, tất nhiên bao gồm cả từ “Không”. Trẻ có thể dựng một cái tháp nhưng cũng có thể xô đổ cái tháp đó. Chúng dần tiếp xúc với những đứa trẻ khác, không chỉ qua lời nói mà còn có thể bằng những cử chỉ nhẹ nhàng hay thậm chí là đánh, cắn. Trẻ có thể tự giác ăn hoặc cũng có thể cầm đồ ăn và ném. Trẻ có thể ôm mẹ vào lòng, hoặc dẫm lên chân mẹ. Không đứa trẻ nào trong độ tuổi này biết được điều gì là tốt và điều gì không tốt. Nhưng trẻ có thể ghi nhớ những phản ứng lặp đi lặp lại của cha mẹ và từ đó rút ra bài học. Tuy nhiên bài học gì thì còn tùy thuộc vào các quy tắc mà trẻ được làm quen. Bạn có thể áp dụng những quy tắc có thể áp dụng cho trẻ 2 và 3 tuổi: “Con là người quyết định!” “Con được phép giữ những gì con giật được từ đứa trẻ khác.” “Nếu con không ăn món này thì mẹ sẽ nấu món khác.” “Nếu con nằm ra sàn nhà và kêu khóc, con sẽ có những gì con muốn.” “Mỗi khi con buồn vệ sinh, nếu con không muốn tự vào toa-lét thì mẹ sẽ phải rửa ráy và thay tã mới cho con.”