Phần 2. Con tôi nên học theo quy tắc nào?

Tất cả các quy tắc trên đều bắt nguồn từ quan điểm sau: “Lúc nào mọi chuyện cũng theo ý con. Ý kiến của người khác không có ý nghĩa gì cả.” “Cha mẹ luôn áp đặt quyền lực và tỏ ra nghiêm khắc” “Khi con lấy thứ gì đó của một đứa trẻ khác, con sẽ bị tét vào mông.” “Con phải ngồi yên trong toa-lét đến khi nào xong mới thôi.” “Nếu con không chịu ăn bữa trưa thì con vẫn bị ép phải ăn.” “Nếu con nằm ra sàn nhà và kêu khóc thì con sẽ bị mắng và ăn đòn.”

Ở đây, trái ngược với những quy tắc trên, quyền uy của cha mẹ được đặt lên hàng đầu. Họ không quan tâm đến việc con cái cảm thấy như thế nào. Bọn trẻ sẽ thấy hoang mang khi phải đối mặt với cả hai loại quy tắc này. ? GIẢI PHÁP

Những quy tắc khuyên dùng cho lứa tuổi này

Thay vì áp dụng hai loại quy tắc nêu trên, các bậc cha mẹ có thể áp dụng cách thứ ba. Theo cách này, con bạn sẽ được học cách chịu trách nhiệm với chính bản thân mình: “Khi con giành đồ của bạn, mẹ sẽ lấy lại món đồ đó và trả lại cho bạn kia.” “Nếu con không dùng bữa thì con phải đợi đến bữa sau.” “Nếu con nằm ra sàn nhà và kêu khóc, mẹ sẽ ra khỏi phòng ngay lập tức.” “Con không được thay bỉm mới nữa, ngay cả khi ‘chất thải’ bị dây ra quần.”

Khi bạn cùng con đến tham dự một nhóm có tổ chức trò chơi, vẫn có thể sử dụng một số quy tắc sau: “Chỉ có các mẹ mới được tham gia trò chơi. Nếu con thực sự muốn chơi, con mới được phép chọn.” “Tất cả phải ngồi vào bàn ăn bữa sáng chung. Con chỉ được đứng dậy khi ăn xong, nhưng không được cầm đồ ăn trong tay rồi chạy nhảy.” ➞ Độ tuổi mẫu giáo: Từ 4 đến 6 tuổi

Hầu hết bọn trẻ đều đi học mẫu giáo khi lên 3 tuổi. Đây là một giai đoạn mới đối với trẻ. Các bạn thường tưởng tượng và có ước mơ như thế nào khi đồng hành cùng con mình? “Con tôi bây giờ nói năng rất trôi chảy. Con đã có thể tự ăn uống và mặc đồ. Con rất thích đến trường mẫu giáo ngay từ những ngày đầu tiên và tỏ ra vui vẻ khi được đón về nhà. Con phấn khởi thực hiện mọi yêu cầu khi ở trường như vẽ, ghép tranh, chơi đàn, nấu nướng. Con kết bạn mới rất nhanh và đã có thể thường xuyên hẹn gặp các bạn. Con không quá say mê xem ti-vi mà thích xem sách tranh, chơi xếp hình. Ngoài ra con còn tự động dọn đồ của mình. 4 tuổi, con đã biết bơi và tự đi xe đạp một mình. Con cũng có thể đọc và viết được tên mình. Muộn nhất là lúc 5 tuổi, con sẽ thể hiện một vài tố chất đặc biệt (ví dụ như múa ba lê, chơi tennis hay chơi đàn piano) và những tố chất này cần được định hướng phát triển ngay. Giờ thì gần như con không còn khóc nhè nữa rồi. Con cũng không bao giờ cãi lại bố mẹ và thầy cô. Lúc nào con cũng vui vẻ và ổn định.”

Hãy chấp nhận tính khí của con

Các bạn có thấy con mình trong những dòng miêu tả đó không? Hay con bạn gần như ngược lại với tất cả những điều trên? Trẻ vẫn còn nói bập bõm lúc 3 tuổi, và các bạn vẫn phải bón cho ăn và mặc đồ cho trẻ hàng ngày? Trẻ không muốn đến trường? Trẻ vẫn sợ khi không có bố mẹ ở bên cạnh? Trẻ không thích những thứ hấp dẫn khác mà chỉ muốn nô đùa ở bên ngoài? Hay phải cố gắng lắm mới rời xa được cái ti-vi? Trẻ không muốn đi tắm hay tập xe đạp? Trẻ không thích những đồ chơi “bổ ích” mà chỉ thích những loại đồ chơi nhựa sặc sỡ mà bạn không ưa? Trẻ khóc nhè ở lớp học thể dục hay các lớp học khác? Trẻ thường khóc nhè hoặc nói “không” mỗi khi bạn sai chúng làm việc gì?

Nếu con bạn có những đặc điểm trên thì bạn cũng đừng vội lo lắng. Có thể bạn đã từng hình dung hoàn toàn khác nhưng con bạn vẫn hoàn toàn bình thường. Trước hết, bạn phải chấp nhận tính khí của con mình dù chúng có thế nào đi chăng nữa. Dù vậy, không thể phủ nhận vai trò của bạn, vì con bạn học các quy tắc phần lớn là từ bố mẹ. Bạn có thể nhận ra những quy tắc nào trong những quy tắc dưới đây? “Con là sếp” “Khi con không thay đồ vào buổi sáng thì mẹ sẽ mặc đồ cho con.” “Khi con rề rà hay kêu khóc ầm ĩ vào mỗi buổi sáng, con sẽ được nghỉ học.” “Khi con không dọn phòng thì mẹ sẽ dọn cho con.”

Như vậy, con bạn sẽ tìm được cách để thỏa mãn đòi hỏi của nó mà không phải tự thân vận động. Tuy nhiên, nếu theo chiều hướng này thì cũng đáng suy nghĩ. “Con không có gì để trình bày” “Khi con không tự mặc quần áo hay làm mất thì giờ, con sẽ bị quát mắng hoặc bị phạt nặng.” Con cái sẽ cảm thấy bố mẹ thật chuyên quyền, độc đoán với mình. Một vài vị phụ huynh còn sử dụng đồng thời cả hai thái cực này. Điều này có tác động như thế nào đến con cái, các bạn có thể tự hình dung ra. Sẽ không có điều gì tốt đẹp xảy ra cả. ? GIẢI PHÁP

Những quy tắc khuyên dùng cho lứa tuổi này

Thay vì những “quy tắc” không thực sự có ích, chúng ta tiếp tục có sự lựa chọn thứ ba: “Ngay cả khi con chưa kịp thay quần áo xong, mẹ vẫn đưa con đến trường đúng giờ.” “Khi con khóc và làm mẹ cáu, mẹ sẽ đi ra ngoài.” “Con phải tự dọn đồ chơi của mình.”

Ở trường mẫu giáo, trẻ cũng được học các quy tắc tương tự: “Tất cả phải ngồi yên trên ghế khi quây thành vòng tròn.” “Sau bữa sáng, con phải dọn đĩa của mình và rửa sạch.” “Tất cả phải dọn dẹp. Làm xong mới được ra ngoài.”

Tất nhiên, trẻ sẽ tiếp thu được những quy tắc này khi trẻ nghiêm chỉnh chấp hành và tuân theo cả khi ở nhà lẫn ở trường. ➞ Độ tuổi đi học: từ 7 tuổi trở đi “Cuộc sống nghiêm chỉnh sẽ bắt đầu từ ngày đầu tiên con đi học” – câu nói này khiến nhiều đứa trẻ sợ hãi. Nhưng ngay cả bố mẹ cũng phải chịu nhiều áp lực. Thành tích và thành công ngày càng trở nên quan trọng khi trẻ lớn dần. Bạn có tưởng tượng được đứa con “hoàn hảo” của mình sẽ trở thế nào? “Tất nhiên, con hầu như không thể đợi được đến ngày đầu tiên đi học. Con rất ham học, có ý chí và không bị áp lực. Con biết đọc, viết và tính toán rất nhanh, hoàn toàn tự làm rất nhanh bài tập về nhà để dành thời gian rảnh sáng tạo một thứ gì đó hay chơi thể thao…”

Các khả năng và giới hạn

Các bạn có quyền mong ước có một đứa bé “lý tưởng” như vậy. Tuy nhiên, các bạn có thể dạy dỗ và uốn nắn con mà không theo nguyện vọng của trẻ. Không phải đứa trẻ nào cũng nhanh biết đọc. Một vài đứa trẻ phải thực sự cố gắng và khi chúng biết đọc thì có thể coi đó là một thành tích lớn. Tương tự, đối với việc học bơi hay học ngồi yên một chỗ cũng vậy. Mỗi đứa trẻ có những điểm mạnh khác nhau. Quan trọng là bạn phải tìm ra và hỗ trợ chúng. Nhưng mỗi đứa trẻ cũng có những giới hạn riêng mà bạn phải chấp nhận. “Nếu bạn kỳ vọng quá nhiều vào con mình thì cả bạn và con sẽ phải chịu áp lực từ rất sớm.”

Có thể các bạn sẽ suy nghĩ về những điều hoàn toàn khác. Các giá trị đạo đức như trung thực, dũng cảm, trung thành, khiêm tốn, thân thiện, vô tư, lịch sự,… quan trọng đối với bạn. Các bạn muốn con mình có các giá trị đó ngay từ độ tuổi này. Các bạn có thấy quá lệch lạc khi nói về những mục tiêu này trong quá trình nuôi dạy trẻ không? Đạt được thành công, tiến bộ, khẳng định bản thân, tận dụng những khe hở trong luật pháp để giành lợi thế – những “giá trị” này hiện tại vẫn chưa cần đến.

Có một cuốn sách của đôi vợ chồng người Mỹ Linda và Richard Eyre có tựa đề: 12 mảnh ghép giá trị cho con(1).Hai tác giả này có rất nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ vì họ có tới chín người con. Họ đưa ra khoảng 12 giá trị khác nhau trong cuốn sách của mình. Bên cạnh các giá trị vừa nêu còn có các giá trị khác như sự điềm tĩnh, nhạy cảm, tôn trọng và tình yêu thương. Các bậc cha mẹ được giới thiệu phương pháp mỗi tháng đề ra một giá trị cụ thể và luyện tập cùng với trẻ. Thêm vào đó còn có các hướng dẫn cụ thể cho biết những trò chơi nhập vai hay trò chơi tập thể nào có ích đối với trẻ. Cuốn sách thực sự chan chứa tình yêu dành cho trẻ cũng như những kinh nghiệm đúc kết được từ các lời khuyên trên.

Tôi mong rằng các bậc cha mẹ hãy suy nghĩ, cân nhắc về các giá trị nêu trên và trở thành tấm gương cho trẻ. Tấm gương của các bạn có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy vậy, chính tôi cũng chưa biết, liệu những giá trị đạo đức này có thể được rèn luyện bằng một giáo trình hay không.

Tiếp sau đây là các phương án cho bạn lựa chọn. Câu hỏi dành cho bạn là: Bạn thấy quy tắc nào là hữu ích? “Con chiến thắng” “Khi con rề rà vào buổi sáng nhưng vẫn chưa muộn học, bố vẫn chở con đến trường.” “Khi con tỏ vẻ không làm được bài tập về nhà, ngày nào mẹ cũng dành ra hai tiếng để ngồi cạnh và hướng dẫn con.” “Khi con không được xem ti-vi ở nhà, con thường nài nỉ mẹ rất lâu, đến khi nào được phép mới thôi.”

Với những quy tắc này, bọn trẻ đã “chiến thắng”, ngay cả khi chúng cư xử không đúng mực. Đứa trẻ có thể học được thói quen đòi hỏi bất cứ lúc nào. Nhưng trẻ vẫn không biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình. “Con chịu thua” “Khi con rề rà vào mỗi buổi sáng, buổi tối con sẽ không được xem ti-vi nữa.” “Khi có lỗi sai trong bài tập về nhà, mẹ sẽ xóa hết đi và bắt con viết lại.” “Khi mẹ bắt gặp con đang xem ti-vi nếu không được phép, con sẽ bị mắng và bị cấm ra khỏi nhà.”

Với những quy tắc này, cha mẹ đã trở nên độc đoán. Nó không liên quan gì đến thái độ của bọn trẻ và khiến trẻ không nhận thức được ý nghĩa của hình phạt. Đứa trẻ không được tôn trọng và nó sẽ cảm thấy tồi tệ.