Phần 3. Nên chọn những quy tắc nào?
Tôi cũng rút ra bài học: Ngay khi tôi chắc chắn điều gì là tốt cho con mình, các giới hạn sẽ tự động hình thành.”
Để cha mẹ có thêm uy quyền và có sức thuyết phục hơn
Nhưng bố mẹ phải làm thế nào để trở nên cương quyết? Một mặt, phần đông các bậc cha mẹ đều chắc chắn, mọi việc mình làm đều là để bảo vệ con khỏi nguy hiểm. Không một đứa trẻ 2 tuổi nào được phép chạy trên đường phố, nghịch ổ cắm điện hay cho những vật nhỏ vào miệng – những điều này bọn trẻ thường hay phản đối dữ dội và dai dẳng. Cũng như vậy, hầu hết các ông bố bà mẹ mà tôi biết đều thắt đai an toàn cho con khi lái xe. Các bạn có làm được điều này với con mình không? Và nếu có thì các bạn làm như thế nào? Đó là bằng chứng các bạn hoàn toàn có đủ khả năng để đặt ra giới hạn cho trẻ. Mỗi khi con bạn cần sự che chở, các bạn sẽ không cảm thấy bất an nữa, vì các bạn đã biết mình nên làm điều gì rồi.
Phần lớn cha mẹ đều đồng ý rằng con cái họ không bao giờ làm ai bị thương hay không dám chửi mắng ai cả. Trộm cắp, nói dối, phá hoại đồ dùng của người khác – những điều này họ cũng không bao giờ cho phép con mình làm. Các bậc phụ huynh đều nhất trí với vấn đề này, cho dù đôi lúc họ cũng thiếu cương quyết.
Việc khó khăn hơn nhiều là quyết định các quy tắc và giới hạn về những vấn đề như qui định giờ đi ngủ, tác phong ăn uống, ăn đồ ngọt, xem ti-vi, dọn dẹp, làm việc nhà, về nhà đúng giờ, làm bài tập về nhà, phép lịch sự, tinh thần giúp đỡ người khác và còn nhiều thứ khác nữa. Chúng ta có thể và nên đòi hỏi những gì từ trẻ đây?
Ấn tượng của tôi là nhiều bậc phụ huynh vẫn đánh giá thấp những nhu cầu riêng của họ. Ít nhất điều này rất đúng đối với các bà mẹ. Trong khi đề ra các quy tắc, bạn có thấy mình đã ngủ đủ giấc chưa? Bạn có thường tạo không khí vui vẻ trong các bữa ăn? Bạn để cho trẻ giúp đỡ việc nhà và không dựa dẫm vào bạn? Hay bạn cũng có quyền được nghỉ ngơi thư giãn? “Chỉ làm nốt lần này nữa thôi!” – tôi thường nghe rất nhiều bà mẹ thở dài như vậy. Bạn không hề ích kỷ khi những quy tắc bạn đề ra thuận theo ý muốn của riêng bạn. Trái lại, chỉ có như vậy, con bạn mới có thể học được cách quan tâm và tôn trọng người khác.