Phần 3. Nên chọn những quy tắc nào?

Cha mẹ thường yêu cầu rất ít từ con cái. Mặt khác, nhiều đứa trẻ lại phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm. Bọn trẻ thường phải tự quyết định những điều mà chúng chưa từng trải qua. Mới đây, một người trông trẻ đã nói với tôi có hôm lớp của cô ấy phải nhận đến ba đứa trẻ bị cảm lạnh và sốt cao. Các bà mẹ được gọi điện và phải đến đón bọn trẻ. Cả ba đều giải thích giống nhau: “Tôi biết là con mình bị ốm. Tôi có thể để cháu ở nhà nhưng cháu lại thích đến trường hơn. Tôi phải làm sao?”

Việc cho bọn trẻ quyền quyết định trong những trường hợp như vậy thực sự là việc quá sức với chúng. Trẻ muốn cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Vì vậy chúng cần ai đó có thể chở che, chăm sóc. Trẻ cần phải có cảm giác rằng: “Bố mẹ biết rõ điều gì là tốt cho mình.” Khi bạn cho con quyền quyết định quá nhiều quy tắc, con sẽ thấy tự do hơn – nhưng con sẽ không yêu quý bạn hơn mà thậm chí còn tỏ ra thiếu tôn trọng bạn. “Những gì con tôi thấy bằng lòng thì được coi là luật ở nhà!” – nếu điều này đúng với gia đình bạn, đây là lúc bạn nên chịu trách nhiệm và điều chỉnh lại mọi thứ. ➞ Chúng ta nên tránh những điều gì?

Chúng ta phải làm sao để trẻ cảm thấy được che chở, an toàn mà không có cảm giác bị gò bó? Chúng ta không cần trẻ phải vâng lời vô điều kiện. Chúng ta cần đề ra cho chúng các quy tắc hợp lý để tránh phải giải quyết các vấn đề tương tự nhau và tạo điều kiện để hai mẹ con cùng hợp tác. Chúng ta sẽ hướng sang mặt tích cực của vấn đề. Trước tiên, một điều quan trọng mà chúng ta nên nắm được là: Những vấn đề nào thường xuất hiện hàng ngày giữa bố mẹ và con cái?

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, tôi đã cùng bác sĩ nhi khoa, Tiến sĩ Morgenroth lập ra một bản khảo sát và gửi tới các bậc phụ huynh có con ở lứa tuổi từ 4 tháng đến 6 tuổi khi đến khám bệnh. Trong bản khảo sát có tất cả 16 loại vấn đề về hành vi ứng xử được sắp xếp theo độ tuổi. Không thể khái quát toàn bộ kết quả nhưng sau khi tổng hợp 320 bản khảo sát, có thể rút ra một số kết luận thú vị sau:

Trong tất cả các nhóm tuổi từ 4 tháng đến 4-5 tuổi, vấn đề phổ biến nhất là: “Con tôi lúc nào cũng muốn chơi đùa mãi.” Khoảng 20% đến 25% các bậc cha mẹ cho đó là một vấn đề. Đối với những đứa trẻ 6 tuổi – tức là đã vào độ tuổi đi học – thì điều này không còn quan trọng nữa.